Xây dựng nông thôn mới tại địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

20/12/2019 09:55
  • Print
  • Lượt xem: 2550

Kết quả qua 9 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, huyện đã huy động được trên 7.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ chương trình và lồng ghép các nguồn vốn khác là 2.280 tỷ đồng, chiếm 31%; Nhân dân đóng góp 842 tỷ đồng, chiếm 12%; các nguồn vốn khác là 4.340 tỷ đồng, chiếm 56.9%. 

Đồng bào Mông xã Kiên Thành chung sức làm đường liên thôn, xóm (Nguồn: tranyen.yenbai.gov.vn)

Theo Báo cáo tham luận của UBND huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái gửi về Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” ngày 09/12 cho biết, qua 9 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, phương pháp và cách làm bài bản, khoa học, chắc chắn trong quá trình triển khai thực hiện; lựa chọn đúng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt tạo ra sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhận thức, khơi dậy quyết tâm, ý chí khát vọng, với sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Kết quả, đã huy động trên 7.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ chương trình và lồng ghép các nguồn vốn khác là 2.280 tỷ đồng, chiếm 31%; Nhân dân đóng góp 842 tỷ đồng, chiếm 12%; các nguồn vốn khác là 4.340 tỷ đồng, chiếm 56.9%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 35,4 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,75%, giảm trên 20,73% so với năm 2015; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 93,5%; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được kiên cố hóa; 81% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu 100% diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 73,4%; 100% số xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; 100% trường đạt chuẩn; 100% số xã có nhà văn hóa xã; hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt kết quả vượt bậc, hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, huyện Trấn Yên đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

Báo cáo tham luận của UBND huyện Trấn Yên cũng nêu rõ, để đạt được những kết quả vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới, trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã tập trung thực hiện và đạt kết quả, cụ thể:

Về chủ trương và định hướng, UBND huyện Trấn Yên xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn huyện; gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể, đồng thời gắn việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chú trọng thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ và tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.

UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có sự thay đổi về nhân sự đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách, hướng dẫn các xã thực hiện các nhóm tiêu chí nông thôn mới; thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện để tham mưu triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, báo cáo kịp thời tiến độ, kết quả xây dựng nông thôn mới; thường xuyên sơ kết tổng kết, đánh giá các mô hình điểm, nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đối với cấp xã, thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban Phát triển thôn, bản, Ban Giám sát đầu tư xây dựng cộng đồng khi có sự thay đổi về nhân sự. Tổ chức các hội nghị quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện; tích cực tuyên truyền các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các thôn, bản; huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí cải tạo nâng cấp đường giao thông, nhà văn hóa thôn, xây dựng thôn bản sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đối với thôn, bản, thành lập Ban Phát triển thôn, Ban Giám sát thôn để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã cụ thể hóa, ban hành các văn bản để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động về thực hiện các Nghị quyết của Trung ương; Nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, phấn đất xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020; Kế hoạch của Huyện ủy về việc tập trung lãnh đạo hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Chương trình hành động và các Nghị quyết của Huyện ủy đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, phân công cụ thể cho các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị của huyện về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong từng giai đoạn; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình tập trung chỉ đạo, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND huyện đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, các Nghị quyết, Chương trình hành động của Huyện ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đã cụ thể hóa bằng các văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện; đã xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện; hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn để lãnh đạo các xã, các ngành tổ chức thực hiện.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, với xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, trình độ phát triển ở các xã không đồng đều, đặc biệt trên địa bàn huyện còn xã đặc biệt khó khăn và 5 thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống, thu nhập của người dân ở mức thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình huyện đã lựa chọn và tập trung vào một số giải pháp hù hợp với tình hình thực tế của huyện:

Đối với cơ sở hạ tầng, tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án hỗ trợ các mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn. Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phải gắn với hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng; tích cực huy động nguồn lực trong Nhân dân và nguồn lực xã hội khác để xây dựng các công trình; lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Về phát triển sản xuất, tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân; khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kiết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất hình thành chuỗi giá trị phù hợp; xác định được những sản phẩm, ngành nghề chủ lực, thế mạnh của địa phương, từ đó có giải pháp và lộ trình cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị gắn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người dân khu vực nông thôn.

Về huy động vốn đầu tư, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Huy động vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cộng đồng dân cư và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện, bàn bạc dân chủ; không thực hiện huy động quá sức dân. Hỗ trợ thủ tục để người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng; tăng các ưu đãi tín dụng; hỗ trợ các nội dung sau vay đảm bảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng. Hỗ trợ đầu tư nguồn lực từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng theo kế hoạch trong giai đoạn; hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên hỗ trợ mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; hỗ trợ, tạo điều kiện trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư đối với các lĩnh vực có thế mạnh của huyện Trấn Yên, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản.

UBND huyện Trấn Yên cũng ưu tiên và quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, các chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực đồng bào người dân tộc Mông ở 4 thôn Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu, Khuôn Bổ - xã Hồng Ca và thông Đồng Ruộng - xã Kiên Thành và các xã đặc biệt khó khăn; kêu gọi các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang cùng toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn huyện chung tay, góp sức ủng hộ bằng tiền mặt, ngày công, vật chất; huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ tham gia hỗ trựo cùng đồng bào Mông làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa, chỉnh trang nhà ở; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện tổ chức các đợt tuyên truyền về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, luật hôn nhân và gia đình; giao nhiệm vụ cho 4 Đảng bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy, mỗi Đảng bộ giúp đỡ 1 thôn đồng bào Mông hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đông trao bằng công nhận thôn Trúc Đình đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
(Nguồn: tranyen.yenbai.gov.vn)

Tụê Mẫn