Vì lẽ đó, cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ huy động sức dân thì nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng NTM ở địa phương.
Agribank Tân Sơn tích cực giải ngân nguồn vốn phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên hàng đầu. Theo đó, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngân hàng, TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung đầu tư cho vay phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Mạng lưới hoạt động được mở rộng đến các huyện, xã; từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn.
Phát triển nông nghiệp nông thôn là góp phần xây dựng NTM, chính vì vậy, ngành Ngân hàng luôn coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên mở rộng tín dụng. Thực tế cho thấy, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều hạn chế; khả năng tiếp cận vốn tín dụng thương mại tại khu vực nông thôn còn khó khăn... Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh phối hợp với các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; trong đó đẩy mạnh cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; áp dụng mô hình liên kết, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM... 10 năm triển khai đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh số cho vay đạt gần 130.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến nay đạt trên 22.300 tỷ đồng với trên 236.000 khách hàng còn dư nợ, chiếm 36% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Cùng với sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp trong tỉnh, ngành Ngân hàng đã dành nguồn vốn thỏa đáng để đầu tư tín dụng, cung ứng những sản phẩm dịch vụ, tiện ích ngân hàng hỗ trợ cho vay trực tiếp các dự án mục tiêu của chương trình xây dựng NTM như cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm điện, xây dựng nhà ở... Dư nợ cho vay tăng trưởng đều qua các năm. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt gần 60.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến nay đạt gần 16.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn với 231.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó dư nợ phân theo mục đích, chương trình cho vay phục vụ xây dựng NTM đối với hộ sản xuất kinh doanh đạt trên 7.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50% tổng dư nợ cho vay xây dựng NTM, hiện có 63.254 khách hàng còn dư nợ.
Ngành Ngân hàng mở rộng các dịch vụ tiện tích, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận vốn vay thuận lợi.
Với phương thức hoạt động như hiện nay của Agribank Phú Thọ đã tạo động lực lớn cho người dân nông thôn mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những mô hình sản xuất nông nghiệp bài bản, quy mô, dần hạn chế cách làm manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Ông Kiều Xuân Dũng-Phó Giám đốc Agribank Phú Thọ chia sẻ: Đơn vị tập trung đầu tư cho vay vào các nhóm khách hàng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, đặc biệt là các chương trình tín dụng với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Agribank đã áp dụng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, các gói cho vay ưu đãi lãi suất và phí; điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời thông tin khách hàng để phục vụ hiệu quả công tác thẩm định cho vay và phát triển sản phẩm dịch vụ.
Agribank Phú Thọ đã khẳng định vai trò chủ đạo trong việc đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn và xây dựng NTM trong suốt thời gian qua, từ đó góp phần tích cực trong thành tựu chung xây dựng NTM của tỉnh. Tính đến nay, dư nợ cho vay xây dựng NTM của đơn vị đạt trên 7.075 tỷ đồng với hơn 46.000 hộ, 104 doanh nghiệp, 4 HTX còn dư nợ, tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở…
Thông qua việc dành nguồn vốn lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó đầu tư tín dụng xây dựng NTM chiếm tỷ trọng lớn trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào thực hiện các chương trình giảm nghèo của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc... Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã có 93 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến hết năm 2019 có 105 xã đạt chuẩn, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Tỉnh có huyện Lâm Thao đạt chuẩn NTM năm 2015; thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 166 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Phạm Trường Giang-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Thọ nhận định: Trong thành công chung đó có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Nhiều địa phương sau khi hoàn thành xây dựng NTM đang tiếp tục hướng tới giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu. Do đó, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn cũng như khơi thông nguồn tín dụng phục vụ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng, chương trình xây dựng NTM ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xây dựng NTM, ngành Ngân hàng tiếp tục chú trọng công tác huy động vốn, cân đối nguồn vốn tại chỗ, nguồn vốn trung, dài hạn, đảm bảo công tác thanh khoản; thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng; điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình trọng điểm của tỉnh. Cải tiến quy trình hoạt động, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, TCTD với chính quyền địa phương...
Nguồn: http://nongthonmoiphutho.vn/