Những cơ hội mớiTràng Đà (TP Tuyên Quang) cùng với Mỹ Bằng (Yên Sơn) là 2 xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh. Sau quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí của xã đã được nâng cao hơn: Tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng hiện đạt trên 70%; 100% các xóm đạt tiêu chí văn hóa; bà con cũng đã đóng góp ngày công, vật chất hoàn thành trên 7.000 mét đường điện theo chương trình “Thắp sáng đường quê” với tổng trị giá 190 triệu đồng. Đặc biệt, Tràng Đà hiện là địa phương duy nhất của tỉnh lắp đặt toàn bộ camera giám sát tại tất cả các xóm, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Tá Khải, thôn Hoắc, xã Thái Bình (Yên Sơn).
Quan trọng nhất, theo Chủ tịch UBND xã Tràng Đà Vũ Thị Thu Hoài, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là bài toán được chính quyền xã đặc biệt quan tâm, để tiêu chí này không ngừng tăng. Dựa trên lợi thế địa phương, Tràng Đà quy hoạch thành từng vùng sản xuất chuyên biệt: Khu vực xóm 9, xóm 10 phát triển cây na, cây hồng; khu vực xóm 1, xóm 4, xóm 8, xóm 11 phát triển chăn nuôi cá lồng đặc sản; xóm 3, xóm 6, xóm 10 phát triển nghề trồng lan...
Khu vực trồng phong lan của gia đình anh Bùi Đình Minh, xóm 3 chủ yếu tận dụng diện tích 70 m2 được mệnh danh là vườn lan giá trị nhất ở Tràng Đà. Giống lan chủ yếu mà anh Minh trồng là phi điệp, nhưng là các giống đột biến, có giá trị kinh tế cao. Anh Minh chia sẻ, anh bắt đầu theo đuổi nghề trồng lan từ năm 2016, bắt đầu từ sở thích cá nhân. Khi đã có kinh nghiệm, anh trao đổi với những người có cùng sở thích, rồi dần trở thành thu nhập chính. Hiện, anh Minh đang mở rộng thêm một vườn trồng lan với diện tích hơn 400 m2. Anh Minh giờ làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Tràng Đà. Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên cùng sinh hoạt. Chưa có một thống kê cụ thể nào về thu nhập của các thành viên trong câu lạc bộ, nhưng anh Minh khẳng định, từ “thú chơi” này, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Đã ở cái tuổi thất thập, nhưng ông Lê Chiến Thắng, xóm 10 vẫn được coi là điển hình trong cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Thắng cho biết, trước đây, gia đình ông cũng đầu tư vào mô hình kinh tế VAC, nuôi cá, trồng na và hồng. Thay vì chỉ nuôi các loại cá thương phẩm đơn thuần như cá chép, trắm, rô phi, thì giờ ông đầu tư vào xây dựng hệ thống bể để nuôi ba ba trơn, ba ba gai và các loại cá đặc sản như chiên, quất, trạch... Hiện nay, những lứa ba ba trơn đầu tiên bắt về đã bước đầu được bán với giá 300 nghìn đồng/kg.
Nông thôn mới nâng cao đã dần hiện hữu ở Tràng Đà. Đường làng ngõ xóm phẳng phiu, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn cải thiện dần. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân đầu người ở đây giờ đã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 0,7%, là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.
Bắt đầu từ việc nhỏQuá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh bắt đầu từ những việc nhỏ, đó là xây dựng khu vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Đường làng, ngõ xóm ở Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang) được chỉnh trang, xây dựng theo hướng xanh -sạch - đẹp.
Vườn chè của ông Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là một trong 2 vườn chè của xã Mỹ Bằng đăng ký vườn mẫu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019. Theo ông Bảy, vườn chè của ông đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn bán ra thị trường; môi trường cảnh quan và có thu nhập từ vườn. Với 3ha chè, để nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu, ông Bảy đầu tư lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động tiên tiến bằng van xoay văng nước và tưới mưa. Chủ động nguồn nước tưới và chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè của gia đình ông Bảy đạt trên 120 tạ/ha/năm, doanh thu đạt trên 170 triệu đồng. Sản phẩm chè búp tươi của gia đình ông được Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm ký hợp đồng thu mua để chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu.
Vườn mẫu cây ăn quả của anh Nguyễn Việt Phong, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) đang trở thành điểm sáng thu hút nhiều người đến tham quan và học tập. 7,5ha vườn được anh Phong thiết kế khoa học, gồm khu trồng bưởi 4 ha, khu trồng cam 3 ha xen giữa là 0,5 ha ao vừa nuôi cá, vừa để điều hòa không khí. Trong vườn, anh Phong còn nuôi 25 đàn ong mật. Vườn của gia đình anh Phong đảm bảo 2 yếu tố không gian đẹp và gia tăng giá trị kinh tế khi mỗi năm, anh thu gần 1 tỷ đồng từ vườn.
Năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang, khi 2 xã Thái Bình, Kim Quan của huyện Yên Sơn tiếp tục được lựa chọn xây dựng đồng thời từ nông thôn mới - nông thôn mới nâng cao đến nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng, đây thực sự là “cuộc đua” không có điểm dừng, khi nông thôn chuyển mình mỗi ngày. Không chỉ nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn tập trung giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách.
Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang