Để thực hiện tốt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” đạt được những kết quả tích cực, giai đoạn 2010-2020 tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung hình thức phong phú, đa dạng... tạo phong trào thi đua sôi nổi, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của đông đảo người dân.
Diện mạo nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc
Theo lãnh đạo tỉnh chia sẻ, khi tỉnh mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã gặp không ít trở ngại. Đó là nguồn lực của địa phương không nhiều, trong khi các hạng mục cơ sở hạ tầng cần được đầu tư cải tạo, xây mới và những dự án phát triển sản xuất, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường… đều đòi hỏi lượng vốn vô cùng lớn. Bên cạnh đó, ở một số vùng trên địa bàn tỉnh có địa hình đồi núi hiểm trở, tâm lý thụ động và nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân về chương trình cũng gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện các mục tiêu mà Đảng và chính quyền các cấp đã đề ra.
Tuy nhiên, trong 10 năm thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tổng nguồn lực để đầu tư với số tiền là gần 12.897 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương của tỉnh gần 7.846 tỷ đồng, chiếm gần 61%; phần còn lại do ngân sách Trung ương là 0,78%, nguồn tín dụng là 25,5%, vốn của người dân và cộng đồng, vốn lồng ghép...Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên còn tự nguyện hiến một phần đất ở của gia đình để làm các công trình công cộng và tham gia vào hoạt động cải tạo, xây dựng đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa.
Con đường bê tông sạch sẽ thuận lợi cho việc lưu thông của người dân
Không chỉ là người góp công, góp của, người dân cũng là người giám sát, bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá… ở làng xã. Các đoàn, hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng phát huy vai trò tích cực với những mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Thu gom rác thải", "Thanh niên xung kích xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường", "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh"...
Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết về giao thông, y tế, giáo dục,…phát triển kinh tế cũng được địa phương chú trọng. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp có những thay đổi căn bản khi được cơ cấu lại theo hướng tập trung, quy mô lớn và người nông dân được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, máy móc với sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia, cán bộ khuyến nông. Lĩnh vực thương mại được thúc đẩy khi gắn kết mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch… tiếp tục được khuyến khích với những chính sách cởi mở về mặt bằng, vốn, thị trường... nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.
Các hoạt động phát triển kinh tế luôn được chú trọng và đẩy mạnh
Sau những nố lực của toàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian kiến tạo quê hương. Giờ đây, các vùng quê của tỉnh đã có diện mạo mới, những con đường bê tông sạch sẽ cùng san sát những ngôi nhà cao tầng, hệ thống mạng internet, truyền thanh, truyền hình số mặt đất đã về với nhiều xã miền núi, giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích cho sản xuất, chăn nuôi và nâng cao đời sống tinh thần… Tất cả những điều đó cho thấy đời sống của người dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao.
Đi đôi với những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới vẫn luôn tồn tại những khó khăn, trăn trở cần phải làm ngay để công tác đổi mới được hoàn thiện hơn. Cụ thể, nhiều hạng mục công trình xây dựng phải chạy nhanh tiến độ, dẫn đến hậu quả công trình khi đưa vào sử dụng không đảm bảo chất lượng. Chợ xây dựng hàng ngàn m2 bị bỏ hoang hoang vì không có hoặc quá ít người đến họp chợ. Mặc dù có sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương nhưng chưa được khắc phục.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện xây dựng các thôn dân cư ở các xã đạt chuẩn thành các thôn dân cư nông thông mới kiểu mẫu, quyết tâm xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc phát triển mạnh về kinh tế, văn minh, hiện đại.
Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, Vĩnh Phúc đã phải trải qua nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng dưới sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, đoàn kết thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” tỉnh đã tạo nên được dấu ấn, thay đổi tích cực diện mạo mới, hiện đại và phát triển hơn. Vĩnh Phúc từng bước trở thành một vùng đất đáng sống, hứa hẹn là điểm đến vững chắc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và du lịch./.
Nguồn: https://vietnamhoinhap.vn