Dự kiến, hết năm 2019, Hà Nội có 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (91,9%). Ảnh: PV
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hà Nội, sau 9 năm thực hiện, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả.
Về phát triển kinh tế hợp tác nông thôn, ngoài có 1.092 Hợp tác xã nông nghiệp, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 308 làng nghề được UBND thành phố quyết định công nhận là làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện, thị xã, gồm: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng nghề mũ, nón lá; 83 làng nghề mây tre, giang đan; 23 làng nghề chế biến nông lâm sản; 29 làng nghề thêu ren; 25 làng nghề dệt may; 9 làng nghề da giày, khâu bóng; 13 làng nghề nghề cơ khí; 18 làng nghề chạm điêu khắc; 5 làng nghề đan tơ lưới; 53 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 5 làng nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng nghề thuộc ngành nghề khác, đã thu hút khoảng 750.000 người lao động.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3.064 trang trại, trong đó, có 2.033 trang trại chăn nuôi, 480 trang trại nuôi trồng thủy sản, 341 trang trại tổng hợp, 209 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp. Trong số 178 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận, nhiều trang trại ngoài tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm nhằm thu hút các trường học trên địa bàn trong, ngoài thành phố, khách du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điển hình như: Trang trại hữu cơ Hoa Viên (huyện Thạch Thất), Vạn An (huyện Thanh Trì), Dê Trắng và Đồng quê (huyện Ba Vì)...
Xây dựng NTM là chủ trương lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 325/386 xã (chiếm 84,2% tổng số xã trên địa bàn thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra và có 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung) huyện Đan Phượng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Dự kiến, hết năm 2019 có 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (91,9%).
Bên cạnh sự thay da đổi thịt của bộ mặt nông thôn như đường làng, ngõ xóm, vườn hoa, công viên…, hạ tầng cơ sở của nông thôn được nâng cấp, cải thiện, đời sống của người dân khu vực nông thôn cũng thay đổi từng ngày, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 50 triệu đồng/người/năm (năm 2017 là 38 triệu, năm 2018 là 46,5 triệu). Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%...
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch/đề án thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.800 sản phẩm. trong đó nhóm thực phẩm có 2.182 sản phẩm; nhóm đồ uống có 397 sản phẩm; nhóm thảo dược có 263 sản phẩm; nhóm vải may mặc có 100 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 665 sản phẩm; nhóm dịch vụ và bán hàng có 193 sản phẩm. Dự kiến nguồn lực huy động đạt 9.863 tỉ đồng.
Đã có 11 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 533 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đề xuất 5 sao, 174 sản phẩm 4 sao, 347 sản phẩm 3 sao.
Nguồn: https://laodong.vn