Xây dựng nông thôn mới của TP.HCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

04/01/2020 23:57

Sáng 28/11, UBND TP.HCM đã tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM giai đoạn 2010-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.

Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua 10 năm thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự tham gia chủ động của người dân đã giúp bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực.

Một số kết quả nổi bật như khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện với tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 so với năm 2008 đạt 206,1%.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới - báo cáo kết quả 10 năm thực hiện chương trình. Ảnh: Quốc Ngọc

Kết nối tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất giữa “Hộ nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp” được tập trung thực hiện. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả v.v..

Tuy nhiên, theo ban chỉ đạo, kết quả xây dựng nông thôn mới của TP.HCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Thể hiện ở công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý những vấn đề phát sinh của một số đơn vị sở, ngành, huyện, xã chưa đạt yêu cầu.

Phát triển kết cấu hạ tầng của vùng nông thôn chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố. Một số huyện, chất lượng đường giao thông còn yếu, xuống cấp do công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống trường học các cấp chưa được quan tâm đầu tư để bổ sung phòng học, trang thiết bị giảng dạy theo yêu cầu mới.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Còn một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; liên kết sản xuất chưa bền vững.

Môi trường, cảnh quan có chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2010-2015, nhìn toàn diện vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn (vẫn có khu vực còn rác thải ven đường; chưa xây dựng được nhiều tuyến đường xanh - trồng cây - hoa...).

Tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các xã vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chưa thực sự bền vững.

Từ các thực tế trên, thấy rõ nhận thức của các cấp, sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân mang tính quyết định. Chỉ khi nào chính quyền các cấp có nhận thức đúng, đầy đủ, tuyên truyền để người dân thấy rõ được lợi ích của Chương trình là vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì chương trình mới thành công (qua kết quả hiến đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã; chủ động phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của Thành phố...).


Các gian triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của nông dân TP.HCM tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Quốc Ngọc

Định hướng thực hiện chương trình sau năm 2020, TP.HCM tập trung xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện đô thị hóa nhanh, tùy tình hình thực tế sẽ xin ý kiến Trung ương về mô hình bộ máy tổ chức phù hợp, phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ kết nối các xã, các huyện của Thành phố.

Mục tiêu là xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới; đời sống vật chất và văn hóa người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; rút ngắn khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa nội thành và ngoại thành, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc.

TP.HCM sẽ xây dựng Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố.


Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/