Nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh cần tiến tới đô thị có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

04/01/2020 23:59

Tại hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM giai đoạn 2010 - 2020, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM cần chuyển từ nông thôn sang đô thị, tiến tới đô thị có kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao…


Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp TP.HCM

Điển hình tiên tiến xây dựng nông thôn mới

Là tập thể vinh dự nhận được cờ thi đua của Chính phủ với thành tích 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, Bình Chánh có địa hình trũng thấp, vào mùa lũ thường bị ngập trắng 50% diện tích. Tuy nhiên, qua triển khai phong trào nông thôn mới, đến nay Bình Chánh đã có đê bao khép kín, giao thông thay đổi rõ rệt. Về phát triển kinh tế, trước đây Bình Chánh chỉ phát triển mía, nhưng thu nhập bấp bênh, sau đó, nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ mía năng suất thấp sang trồng mai nguyên liệu và cá cảnh, đến nay xã Bình Lợi đã có vùng chuyên canh với hơn 420 ha mai vàng, 45 ha cá cảnh, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là thay đổi được niềm tin của nhân dân vào chủ trương xây dựng nông thôn mới”.

Để đạt thành quả trên, ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh cho rằng: “Chúng tôi phải trả giá rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi từ trồng mía sang trồng dứa, bị thất bại nặng nề vì trên 500 ha mía nguyên liệu không có đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, với niềm tin từ phong trào nông thôn mới, chúng tôi đã kiến tạo và xây dựng lại niềm tin trong nhân dân thành công”.

Là cá nhân được vinh danh trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Đổi, ấp Kiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ chia sẻ: “Ở ấp Thiềng Liềng, chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề làm muối, thế nhưng làm ăn ít có hiệu quả. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, gia đình tôi đầu tư làm muối kết tinh trên nền bạt, làm hồ trữ nước trạc 400 m3, từ đó, năng suất muối tăng lên 30 - 40%. Để tận dụng thời gian nhàn rỗi trong mùa mưa, gia đình tôi chuyển đổi 15 ngàn m2 đất làm muối sang nuôi tôm, đạt năng suất 10 tấn tôm/vụ. Mô hình kết hợp này giúp chúng tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Khi có điều kiện kinh tế, gia đình tôi hỗ trợ cho 26 hộ nghèo với vốn vay 190 triệu đồng không lấy lãi, và hướng dẫn công ăn việc làm, đến nay họ đã thoát nghèo. Gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 6 - 8,5 triệu đồng. Tôi cũng hiến 1 ha đất để xây dựng đê bao cho ấp Thiền Liềng, giúp thuận lợi trong sản xuất, không còn bị ngập nước mùa mưa”.

TP.HCM không thể làm nông thôn mới mãi!

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh những thành tựu nổi bật mà TP.HCM đạt được trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, trong đó, đáng chú ý là giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 5 lần cả nước, số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia và tiêu chí của thành phố đều cao... Tuy nhiên, còn một số hạn chế mà chúng ta cần khắc phục là số hộ

tham gia hợp tác xã chỉ chiếm 7,7% hộ sản xuất nông nghiệp, số hộ làm nông nghiệp của toàn thành phố giảm mạnh, dự báo đến năm 2035, chỉ còn 38 ngàn lao động. Trong đó (dự báo đến năm 2030), tại huyện Củ Chi giảm còn 4%, tại huyện Hóc Môn còn 0,1%, huyện Bình Chánh giảm còn 0,4%, huyện Nhà Bè còn 0,5%. Riêng huyện Cần Giờ giữ được thế mạnh nông nghiệp vì có khu dự trữ sinh quyển, đất lâm nghiệp và diện tích thủy sản lớn, tuy nhiên, số hộ sản xuất nông nghiệp cũng giảm dần, dự báo giảm từ 34% của năm 2019 xuống còn 12% năm 2030.

Trước thách thức trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, các tỉnh khác tiếp tục xây dựng nông thôn mới nhưng riêng TP.HCM không thể xây dựng nông thôn mới mãi được mà cần có bước chuyển đổi từ nông thôn mới sang đô thị văn minh, đây là con đường mà chúng ta phải đi. Từ năm 2021 - 2025 chính là giai đoạn làm đầy đủ tiêu chí nông thôn mới, chuyển từ nông thôn sang đô thị, tiến tới đô thị có kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao, tập trung sản xuất giống, cây con đặc thù. Tuy nhiên, TP.HCM phải có sự chuẩn bị, trong đó phải đưa vào quy hoạch để phát triển thành phố đô thị văn minh.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, phải nâng số hộ sản xuất nông nghiệp tham gia hợp tác xã lên 50%, trong tương lai, các huyện phát triển lên thành quận vẫn giữ nông nghiệp nhưng là nông nghiệp đô thị, các huyện làm nông nghiệp theo hướng đô thị, riêng Cần Giờ cần giữ truyền thống phát triển nông nghiệp, trồng rừng nhiều hơn để giữ lá phổi xanh cho thành phố.




Nguồn: http://www.khoahocphothong.com.vn/