Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn về mọi mặt bởi xuất phát điểm của các xã rất thấp, số tiêu chí bình quân chưa đạt 3 tiêu chí/xã, 100% xã đạt dưới 7 tiêu chí. Sau 10 năm nỗ lực thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có kết quả rõ nét.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/5/2011 về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; ban hành văn bản phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương.
Người dân huyện Bạch Thông tích cực làm đường giao thông nông thôn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo”; “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”…
Trong suốt 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động tối đa nguồn lực, dồn sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng... đạt khoảng 2.041 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân, xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điều này thể hiện rõ nét qua phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh, bà con nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tự giác thực hiện các phần việc do nhân dân làm, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn. Giai đoạn 2011 – 2019, người dân trong tỉnh đã hiến hơn 302.500m2 đất, đóng góp tiền mặt hơn 24 tỷ đồng, ngày công lao động và hiện vật đạt giá trị gần 215 tỷ đồng.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua trọng tâm của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa từng bước xây dựng, hoàn thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn. Một số huyện như Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn có xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân tiêu chí/xã đạt khá cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 13,6%); có 02 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 50 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí (giảm 93 xã so với năm 2010). Bình quân cả tỉnh đạt 10,83 tiêu chí/xã, tăng 7,89 tiêu chí so với năm 2010, đạt 98,3% mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Những kết quả quan trọng này là tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu của các năm tiếp theo.
Kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo việc triển khai nông thôn mới còn hạn chế, có sự chênh lệch khá lớn. Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tuy nhiên khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của tỉnh hạn hẹp chủ yếu trông chờ từ Trung ương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, điều hành và nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 185 thôn đạt chuẩn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi năm phấn đấu có từ 5 xã trở lên đạt chuẩn, đến hết năm 2025 có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
Nguồn: baobackan.org.vn