Ảnh minh họa
Theo Sở NN&PTNT, trong quý I, đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân của người dân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh: 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức: 55 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 53,8 triệu đồng/người/năm... Nhờ vậy, so với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 367 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập, còn 15 xã chưa đạt.
Cùng với đó để giảm hộ nghèo, ngân sách thành phố đã bố trí trên 8.500 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, hơn 2.500 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng nhà ở... Gần 5.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người nghèo, hộ nghèo (683,1 tỷ đồng đóng BHYT cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; 4.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng; gần 98 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện; hơn 33 tỷ đồng miễn, giảm học phí cho học sinh có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hơn 15 tỷ đồng trợ cấp cho người già yếu, ốm đau không có khả năng lao động thoát nghèo; hơn 26,7 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo cô đơn, mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật đặc biệt nặng mà trong hộ không có người còn khả năng lao động; hơn 52,3 tỷ đồng quà tết cho hộ nghèo và nhiều nội dung khác). Qua rà soát, thành phố đã đầu tư 1.050 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã dân tộc, miền núi. Với nguồn lực đầu tư lớn, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 371 xã đạt và cơ bản đạt, còn 11 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Liên quan đến tiêu chí lao động có việc làm, qua rà soát, của Sở NN&PTNT, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội chỉ còn 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,3% vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 (đạt 95%). So với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí này. Còn 01 xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.
Đáng chú ý, trong tổ chức sản xuất, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã từng bước đổi mới, khẳng định và phát huy mạnh vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu có tính cộng đồng cao liên quan chặt chẽ tới sản xuất của các hộ và nhân dân. Nội dung đề án củng cố của nhiều hợp tác xã đã tập trung vào việc mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới để nâng cao đời sống cho thành viên hợp tác xã và nhân dân. Vì vậy, đến nay, Hà Nội có 382 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí theo quy định về xây dựng NTM.
Nguồn: phapluatxahoi.vn