Bộ Tài chính kiến nghị phân bổ vốn đầu tư các Chương trình MTQG đúng quy định

04/05/2020 17:27
  • Print
  • Lượt xem: 2159

Bộ Tài chính vừa có văn bản đôn đốc các địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và các địa phương phân bổ vốn chưa đúng quy định. Qua đó, Bộ Tài chính kiến nghị địa phương thực hiện phân bổ theo đúng quy định nhằm thúc giải ngân nguồn vốn đầu tư công nói chung, vốn CTMTQG nói riêng.

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn NSTW cho đầu tư năm 2020 thực hiện các CTMTQG là 27.336 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch vốn NSTW cho đầu tư năm 2020 thực hiện các CTMTQG năm 2020 tăng 1,5 lần so với kế hoạch năm 2019 và chiếm gần 1/3 tổng số vốn của cả kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Qua sơ bộ rà soát báo cáo phân bổ vốn đầu tư của các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy nhìn chung các địa phương đã tích cực trong triển khai phân bổ kế hoạch vốn Chương trình MTQG năm 2020 nên số lượng các địa phương phân bổ đúng thời hạn và tỷ lệ phân bổ so kế hoạch cao hơn cùng kỳ năm 2019; việc phân bổ cơ bản đảm bảo đúng cơ cấu vốn theo từng Chương trình MTQG, theo nguồn vốn trong nước, ngoài nước; phân bổ vốn để thu hồi số ứng tối thiểu theo quy định và đối tượng, nội dung hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy một số tồn tại sau: 16 địa phương mới phân bổ tổng số vốn theo từng chương trình mà chưa phân bổ chi tiết đến các đơn vị và chủ đầu tư; 12 địa phương chưa phân bổ hết số vốn được giao; 02 địa phương chưa phân bổ chi tiết theo nguồn vốn trong nước và ngoài nước; 11 địa phương chưa phân bổ vốn thu hồi ứng trước hoặc thu hồi chưa hết số vốn ứng trước; 21 địa phương chưa phân bổ vốn thực hiện các Đề án theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; 07 địa phương phân bổ vốn không đúng đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và bố trí vốn đầu tư thực hiện các dự án duy tu, bảo dưỡng là chưa đúng quy định tại Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc đối với các địa phương chưa phân bổ và văn bản gửi 42 địa phương phân bổ vốn chưa đúng quy định, đặc biệt là các dự án phân bổ không đúng đối tượng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để thực hiện và kiến nghị địa phương thực hiện phân bổ theo đúng quy định.

Theo báo cáo của KBNN, đến 30/4/2020, ước lũy kế giải ngân kế hoạch năm 2020 là 3.126 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch giao, trong đó nông thôn mới là 2.401 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch giao và giảm nghèo là 725 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch giao. Ước lũy kế giải ngân kế hoạch năm 2019 kéo dài là 92,289 tỷ đồng.

Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân như ảnh hưởng của Tết nguyên đán, đặc biệt là ảnh hưởng diễn biến của dịch bệnh COVID-19, tập trung giải ngân vốn kéo dài kế hoạch năm 2019, dự án đang hoàn thành nghiệm thu khối lượng chưa làm thủ tục thanh toán vốn ở KBNN, một số dự án mới chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ theo quy định, việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, đối với địa phương, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định; đối với công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên triển khai trước mặt bằng sạch để đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; các dự án có vướng mắc cần báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời (đặc biệt các dự án sử dụng vốn nước ngoài, các dự án sử dụng vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài). Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 3/2020.

Nguồn: baochinhphu.vn