Bình Phước: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020

01/09/2020 10:50
  • Print
  • Lượt xem: 1753

Ngày 15/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Bù Gia Mập (Nguồn: binhphuoc.gov.vn)

Theo đó, Kế hoạch ban hành nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ “Đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân” theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; gắn trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp và Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; phát huy hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Quyết định số 366/QĐ-BTP ngày 28/02/2020 của Bộ Tư pháp; Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 60/KH-UBND tỉnh ngày 10/3/2020 về Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ nội dung công việc, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ giao cho Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg và Quyết định số 619/QĐ-TTg; các nội dung, hoạt động đề ra phải bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp của cơ quan, tổ chức; chú trọng lồng ghép, kết hợp với triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; trong quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý các nguồn lực, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Về nội dung của Kế hoạch bao gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; Rà soát, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện về thể chế liên quan đến công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tiếp nhận, tổng hợp, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc; Tiếp tục thông tin, phổ biến về nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các quy định pháp luật liên quan đến thực hiện các điều kiện, chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; Chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra giải pháp thực hiện đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo trách nhiệm và phạm vi quản lý; Các nhiệm vụ, hoạt động phục vụ việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tổ chức tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc về tổ chức đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; công chức Tư pháp cấp huyện, công tác Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và đội ngũ làm công tác xây dựng nông thôn mới của một số xã, phường, thị trấn; Chọn điểm để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Kiểm tra, theo dõi, tổng kết đánh giá kết quả; thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ trì.

 

Anh Cao (Nguồn: Kế hoạch số 101/KH-UBND)