Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP đều có vùng nguyên liệu nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng. Trong ảnh: Người dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) thu hoạch lúa chất lượng cao liên kết sản xuất với Công ty TNHH Safe Green. (Nguồn: nongthonmoi.dienbien.gov.vn)
Theo Kế hoạch trên, mục tiêu chung của tỉnh Điện Biên là xây dựng nông thôn mới bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh; nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; phát triển văn hóa giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Điện Biên xác định tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tất cả các xã của tỉnh. Duy trì, giữ vững các tiêu chí đối với 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí để xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện các tiêu chí đối với các xã cơ bản đạt chuẩn để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Theo đó, tỉnh Điện Biên phấn đấu: đến năm 2020 có 7 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên); đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay). Số tiêu chí đạt theo chuẩn nông thôn mới bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã.
Các chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập bình quân/người đạt 18,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 37% (giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,8%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu có 02 thôn, (bản) “Nông thôn mới kiểu mẫu” và phải có ít nhất 01 sản phẩm OCOP trở lên.
Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu
Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, duy trì và giữ vững 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 01 về quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Còn phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, mục tiêu đạt yêu cầu tiêu chí số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tại Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 25/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 37 xã đạt (31,8%) cơ bản đạt chuẩn tiêu chí thu nhập; có 116 xã (100%) đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; có 50 xã (43,1%) cơ bản đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.
Về giảm nghèo và an sinh xã hội, mục tiêu đạt yêu cầu tiêu chí số 11 về Hộ nghèo trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến năm 2020, có 37 xã (31,8%) cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3 - 4%/năm (riêng các huyện, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Về phát triển giáo dục ở nông thôn, mục tiêu đến năm 2020, có 94 xã (81,03%) cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đến năm 2020 có 93 xã (80,2%) đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất y tế xã; 90 xã (77,6%) cơ bản đạt tiêu chí số 15 về y tế, có 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đối với nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, mục tiêu đến năm 2020, có 56 xã (48,3%) cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hóa. Đồng thời, có 60 xã (51,7%) cơ bản đạt tiêu chí số 17 về môi trường; 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trường học, trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý, sử dụng tốt.
Về nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, mục tiêu là đạt yêu cầu tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị, dịch vụ hành chính công và tiếp cận pháp luật. Đến năm 2020 có 90 xã (77,6%) cơ bản đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn xác định đạt yêu cầu tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, để đến năm 2020 có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh.
“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Điện Biên cũng đề ra một số giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cụ thể:
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, định kỳ tổ chức giao ban hàng tháng, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện Chương trình; nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương và các cơ quan có liên quan.
Đồng thời, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện, nâng cao cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự... đặc biệt đối với các nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020; nhóm xã dưới 5 tiêu chí…
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình định kỳ để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình tại các địa phương; đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới.
Anh Cao (Nguồn: Kế hoạch số 3055/KH-UBND)