Hậu Giang: Phấn đấu có thêm 2 xã nông thôn mới trong năm 2021

10/12/2020 16:28
  • Print
  • Lượt xem: 2428

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 62,7% tổng số xã; đồng thời, Hậu Giang cũng có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo định hướng năm 2021, tỉnh Hậu Giang sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở để xây dựng nông thôn mới; công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 34 xã, đạt 66,67% tổng số xã. Duy trì và nâng chất các đơn vị xã nông thôn mới nâng cao, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động để đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh này đã đạt hơn 6.888 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giao gần 156,6 tỷ đồng, ngân sách đối ứng gần trên 662 tỷ đồng, vốn vay trên 5.860 tỷ đồng, doanh nghiệp trên 50 tỷ đồng và dân đóng góp trên 157 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, tỉnh Hậu Giang đã tiến hành đầu tư mới và nâng cấp cải tạo được hơn 160km đường, 23km cầu; đầu tư công trình thủy lợi để khép kín mới 2.334ha đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng mới 3 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 12 nhà văn hóa ấp; nâng cấp, sửa chữa và xây mới trên 500 căn nhà dân. Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang tiếp tục hỗ trợ cho người dân ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ và xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp về phân hữu cơ, phân bón lá, hệ thống tưới, bao trái, chứng nhận VietGAP và liên kết theo hướng chuỗi giá trị đối với mô hình trồng bưởi da xanh; đồng thời hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP.

Nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã tích cực xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…, điển hình như trên địa bàn huyện Châu Thành A, việc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Châu Thành A không ngừng triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm và gặt hái được kết quả ấn tượng. Đồng chí Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, cuối năm 2019, huyện Châu Thành A đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi có 6/6 xã được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và địa phương hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới. Với kết quả này, huyện Châu Thành A đã về đích nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao.

Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều đoàn thể của huyện đã tích cực triển khai các phong trào thiết thực đến với hội viên để thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Điển hình là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”; “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; xây dựng công trình đường chiếu sáng…

Nhằm nâng cao mức sống của người dân nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương luôn đi đúng hướng, phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nên kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đang được đẩy mạnh phát triển và hướng tới được công nhận OCOP. Ngoài ra, đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh...

Từ đầu năm đến nay, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với một số sở, ngành của tỉnh thực hiện nhiều mô hình chung sức xây dựng nông thôn mới và mang lại những hiệu quả tích cực.

Xã Đông Phú ( huyện Châu Thành) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, các sở ngành phải hỗ trợ nhiệt tình và có trách nhiệm, nhất là tạo điều kiện về kinh phí trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa... tại xã nông thôn mới. Quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, từng xã phải làm thực chất, tránh chạy theo thành tích mà không đảm bảo chất lượng. Cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới với trọng tâm phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống người dân làm mục tiêu, lợi ích mang lại cho dân là động lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu: làng quê khởi sắc, cuộc sống yên bình, nông dân sung túc, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang tiếp tục duy trì, nâng chất đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện (huyện Châu Thành và thị xã Long Mỹ) đạt chuẩn nông thôn mới, 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Châu Thành A). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt hơn 70%, trong đó xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 10%... /.


Nguồn: tcnn.vn