Định hướng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Long An

22/12/2020 11:50
  • Print
  • Lượt xem: 2007

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Cụ thể là: Hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp, các vùng; bền vững về môi trường, biến động thị trường và biến đổi khí hậu.


Xã Khánh Hưng khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn: baolongan.vn

Xây dựng nông thôn mới làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ; xã hội nông thôn dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp”; hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trật tự được củng cố.

Giai đoạn 2021 - 2025, đối với cấp huyện, phấn đấu có thêm ít nhất 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Tân Trụ, Tân Thạnh, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa) và thị xã Kiến Tường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Châu Thành).

Cấp xã, phấn đấu có từ 70% - 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế); có ít nhất 20% số xã (34 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế); không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt từ 65% trở lên.

Giai đoạn 2025 - 2030, đối với cấp huyện, phấn đấu có thêm ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Cần Giuộc, Vĩnh Hưng, Tân Hưng), trong đó có thêm ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Tân Trụ).

Đối với cấp xã, có 100% số xã (166 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế).

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được xây dựng đầy đủ, đồng bộ và hiện đại, kết nối chặt chẽ và hiệu quả với quá trình đô thị hóa. Thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt từ 80% trở lên.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Nhóm giải pháp về truyền thông, tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng ấp.

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã (xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm; xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hàng năm; xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao không nằm trong lộ trình hàng năm,...).

Nâng cao hiệu quả đầu tư của các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, không lãng phí các nguồn lực đầu tư trong xây dựng nông thôn mới.

Nhóm giải pháp về phát triển sản xuất: Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó: Thực hiện nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.; Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ; Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Chú trọng phát triển thương mại dịch vụ nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng “gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế”.

Nhóm giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Coi trọng hình thức hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã,...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn: Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường thiết thực đối với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, ấp. Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, nước thải khu - cụm công nghiệp,...) và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu dân cư (xã, ấp) đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở xóm, ấp.

Nhóm giải pháp về huy động nguồn lực: Thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Các khoản đóng góp của nhân dân phải được thực hiện theo từng dự án cụ thể và theo nguyên tắc tự nguyện, do Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả./.

 

Anh Cao