Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên toàn quốc

22/12/2020 11:49
  • Print
  • Lượt xem: 11829

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Miền núi phía Bắc: 01 tỉnh, Đồng bằng sông Hồng: 08 tỉnh, Bắc Trung Bộ: 01 tỉnh, Nam Trung Bộ: 01 tỉnh, Tây Nguyên: 01 tỉnh; Đông Nam Bộ: 04 tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long: 04 tỉnh). Đây là mục tiêu được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đề ra trong mục tiêu cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hôi nghị tổng kết 10 năm thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Ảnh/mard.gov.vn

Trong 10 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn nước ta. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2011 - 2015, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên hàng năm tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó: ngân sách nhà nước 266.785 tỷ đồng (31,3%), tín dụng 434.950 tỷ đồng (51,1%), doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (5,0%), cộng đồng dân cư 107.447 tỷ đồng (12,62%). Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 98.664 tỷ đồng (11,6%), trong đó, ngân sách trung ương 16.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương các cấp 82.264 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp trong giai đoạn 1 chưa được chủ động bố trí và hàng năm thông báo chậm nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và hiệu quả triển khai chương trình, cũng như phần nào dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2016 - 2019: Tính đến tháng 9/2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình khoảng 1.567.091 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương: 37.900 tỷ đồng (2,4%), trong đó: vốn đầu tư phát triển là 27.960 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.940 tỷ đồng. Vốn ngân sách đối ứng trực tiếp của địa phương: 182.724 tỷ đồng (11,7%). Vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn nông thôn: 182.709 tỷ đồng (11,7%). Vốn tín dụng: 958.859 tỷ đồng (61,2%). Vốn doanh nghiệp: 76.411 tỷ đồng (4,9%) và Vốn huy động người dân và cộng đồng đóng góp: 128.488 tỷ đồng (6,2%).

Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 319.289 tỷ đồng (bình quân khoảng 35,9 tỷ đồng/xã trong 9 năm), chiếm 13,2%; chủ yếu là ngân sách địa phương các cấp (264.988 tỷ, chiếm 83% tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp), ngân sách trung ương là 54.300 tỷ (chiếm 17% ngân sách nhà nước các cấp).

Ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp xây dựng nông thôn mới có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng. Tính theo bình quân ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, thì Đông Nam Bộ cao nhất với 145 tỷ đồng/xã, vùng Đồng bằng Sông Hồng - Bắc Trung Bộ với 80,5 tỷ đồng/xã, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 28 tỷ đồng/xã, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 22 tỷ đồng/xã và thấp nhất là Miền núi phía Bắc với 18 tỷ đồng/xã.

So sánh 02 giai đoạn, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2019 tăng 1,84 lần so với giai đoạn 2010 - 2015, trong đó:

Nguồn vốn ngân sách Trung ương mặc dù mới bố trí được khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội, nhưng đã cao gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Đối với kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên cân đối, đảm bảo bố trí đủ vốn còn lại của kế hoạch vốn 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Quốc hội. Vốn đầu tư phát triển được các địa phương tập trung vào một số công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn (51,2%), trường học (13,8%), cơ sở vật chất văn hóa (13,8%), thủy lợi (7,7%), công trình nước sạch tập trung (5,6%)...; vốn sự nghiệp ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (26,8%), đào tạo nghề (11,5%), nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá (10,7%), duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư (8,4%), phát triển giáo dục (7,5%), vệ sinh môi trường (6,9%)...

Nguồn vốn đối ứng của địa phương cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bằng 4,8 lần so với nguồn vốn ngân sách trung ương, cao hơn gấp 2,8 lần so với quy định của Nghị quyết Quốc hội, trong đó, nhiều địa phương khó khăn, không thuộc đối tượng đối ứng ngân sách nhưng đã chủ động cân đối để bố trí nguồn lực đầu tư cho chương trình. Hơn nữa, trong giai đoạn 2, nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình cao hơn nhiều so với nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; điều này thể hiện các các địa phương đều thấy tính hiệu quả rõ rệt của Chương trình nên giảm dần việc hỗ trợ thông qua các chương trình dự án khác mà tập trung nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 1 thì nguồn vốn vẫn chủ yếu là lồng ghép).

Nguồn vốn tín dụng cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu được người dân và doanh nghiệp vay đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy, hải sản,... góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.

Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Cả nước đã có 4.665 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), Miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao  và đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 02/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.  

Đồng thời, cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 04 huyện (Hải Hậu, Nam Định; Nam Đàn, Nghệ An; Đơn Dương, Lâm Đồng và Xuân Lộc, Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020. 

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình mới, trong giai đoạn 1 đã phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế, song quá trình triển khai quyết liệt. đồng bộ, rộng khắp trong cả nước từ 2016 đến nay, Chương trình  đã thực sự trở thành một Phong trào có ý nghĩa nhân văn được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, cụ thể:

Hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Hơn nữa, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020 không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn trao quyền chủ động hơn cho địa phương và kịp thời đáp ứng những yêu cầu mới trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình ở địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn; nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển và nhân rộng đã đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình: Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; mô hình Hợp tác xã kiểu mới phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, môi trường và văn hóa cộng đồng,... đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện. Nông thôn mới đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành như Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Trà Vinh,…; từng bước hình thành rõ nét các các mô hình nông thôn mới đặc thù: nông thôn mới gắn với đô thị hóa vùng ven đô, nông thôn mới vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, nông thôn mới gắn với công nghiệp hoá, nông thôn mới vùng khó khăn.

Đây là Chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở (Tỉnh, huyện, xã, thôn, bản) hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, chất lượng. Năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo có hiệu quả và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, nhất là trong việc xây dựng dự án, lập kế hoạch, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn.

Chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Mặt trân Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng tiên phong với nhiều phong trào, hội thi, cuộc vận động; các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đóng góp nguồn lực to lớn về cung ứng vốn, phát triển hạ tầng, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan truyền thông nhanh chóng, kịp thời nêu gương những điển hình tiêu biểu về nông thôn mới cũng như những vấn đề tồn tại, phát sinh ở các địa phương; đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng dân cư nông thôn, những người đóng vai trò là chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng nông thôn mới, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được quán triệt sâu sắc tới mọi địa phương, được thể hiện và thực hiện thông qua vai trò tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án nông thôn mới, tham gia góp công, góp của, thực hiện giám sát và cho ý kiến về sự hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Nợ đọng xây dựng cơ bản đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Đối với cấp tỉnh, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Miền núi phía Bắc: 01 tỉnh, Đồng bằng sông Hồng: 08 tỉnh, Bắc Trung Bộ: 01 tỉnh, Nam Trung Bộ: 01 tỉnh, Tây Nguyên: 01 tỉnh; Đông Nam Bộ: 04 tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long: 04 tỉnh).

Đối với cấp huyện, cả nước có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Miền núi phía Bắc: 20%, Đồng bằng sông Hồng: 80%, Bắc Trung Bộ: 30%, Nam Trung Bộ: 30%, Tây Nguyên: 20%; Đông Nam Bộ: 70%, Đồng bằng sông Cửu Long: 35%), mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có ít nhất 10% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Đối với cấp xã, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Miền núi phía Bắc: 60%, Đồng bằng sông Hồng: 99%, Bắc Trung Bộ: 87%, Nam Trung Bộ: 80%, Tây Nguyên: 68%; Đông Nam Bộ: 95%, Đồng bằng sông Cửu Long: 80%), trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với cấp thôn, 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn theo quy định.

Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020./.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)