Quảng Trị: Huyện Cam Lộ tuyên truyền, huy động người dân tham gia thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 3998

Thực hiện Nghị Quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phê duyệt chương trình, trình tự thủ tục công nhận địa phương xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Quyết định Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lộ đã đoàn kết, quyết tâm, nổ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng mới.

Thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ ngày càng khởi sắc. (Ảnh:dantri.vn) 

Để hoàn thành 152/152 tiêu chí xã nông thôn mới (08 xã) và 09 tiêu chí huyện nông thôn mới đảm bảo thực chất và chất lượng; huyện Cam Lộ quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt giai đoạn 2011 - 2020 của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; đồng thời  xác định xây dựng nông thôn mới là hoạt động có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc với khẩu hiệu “Xây dựng quê hương trở thành miền quê đáng sống”.

Xác định chủ thể xây dựng nông thôn mới là Nhân dân, lấy Nhân dân làm gốc, lấy thôn, xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn từ Trung ương phân bổ mà phát huy nội lực, sức mạnh trong Nhân dân là chính. Thực hiện dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân xây dựng nông thôn mới. Lấy thu nhập của người nông dân, cảnh quan môi trường nông thôn, kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân ở cơ sở làm điểm cốt lõi.

Xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của vùng nông thôn, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, người dân được phát huy dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, đã tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của cộng đồng dân cư; sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân góp phần vào sự thành công trên chặng đường 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), đến nay bộ mặt nông thôn huyện Cam Lộ có nhiều đổi mới, khởi sắc, huyện có 08/08 xã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ % số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Huyện đã cơ bản hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình tỉnh, Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

Qua chặng đường 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới; Nhiều công trình hạ tầng quan trọng ở nông thôn (hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống công trình thuỷ lợi, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hoá, bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp nước sạch...) được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Năm 2011, thu nhập bình quân chung toàn huyện đạt 14,3 triệu đồng/người/năm, đến nay đạt 42,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 16,9% giảm xuống còn 4,16% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn đã được đổi mới, cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đối với tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong quá triển khai thực hiện, việc huy động người dân tham gia thực hiện tiêu chí môi trường (Tiêu chí số 17) với mục tiêu bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là một tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, với quyết tâm đạt các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là tiêu chí về môi trường, huyện Cam Lộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, xác định rõ việc gì nhà nước làm, nhà nước đầu tư, việc gì dân làm, dân góp; xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp chỉ đạo cụ thể, nhờ đó tiêu chí môi trường đạt được những kết quả tích cực.

Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 98,6%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 72,6%; 100% số cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; 100% số xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp; các xã đạt chuẩn tiếp tục có giải pháp nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; 100% số xã quy hoạch nghĩa trang nhân dân, thực hiện mai táng phù hợp với quy định, có quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang phù hợp từng địa bàn các xã; chất thải rắn trên địa bàn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý đúng quy định về bảo vệ môi trường; 100% số hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, huyện Cam Lộ có 01 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tập trung với diện tích 53.681m2. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 08 xã được các tổ, đội thu gom, vận chuyển bằng phương tiện xe ba gác tự chế tập trung tại các bể trung chuyển, sau đó công nhân của Hợp tác xã Dịch vụ môi trường vận chuyển, bằng cơ giới chuyên dụng về bãi chôn lấp chất thải tập trung của huyện để xử lý. Tại thị trấn Cam Lộ rác phát sinh được công nhân của Hợp tác xã Dịch vụ môi trường trực tiếp thu gom bằng xe chuyên dụng và vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của huyện để chôn lấp.

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có tổ, đội thu gom và phương tiện xe tự chế, gồm 50 tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt ở 105 thôn, bản, khu phố với 118 người làm công tác thu gom và 73 phương tiện vận chuyển được Ủy ban nhân dân các xã ra quyết định thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Nhìn chung các trang thiết bị phục vụ cho việc thu gom được các tổ, đội thu gom của các xã thường xuyên quan tâm mua sắm bổ sung hàng năm và đáp ứng được nhu cầu vận chuyển khối lượng rác thải phát sinh thực tế tại địa phương.

Công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, Ủy ban nhân dân các xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể ở địa phương thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường ở các thôn, xóm để đánh giá thi đua hàng năm. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tuyên truyền vận động người dân phân loại rác ngay tại gia đình thành rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác thải xây dựng... Hầu hết lượng rác thải hữu cơ được xử lý ngay tại hộ gia đình.

Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: 08 xã, thị trấn đã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng được 164 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các trục chính ở những cánh đồng của các xã, thị trấn. Huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định, ước tính lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh khoảng 1.167,5 kg/năm.

Đối với chất thải rắn y tế, yrên địa bàn huyện có 01 trung tâm y tế; 08 trạm y tế xã, thị trấn và 03 phòng khám chữa bệnh. Chất thải y tế phát sinh từ các trạm y tế được thu gom vận chuyển về xử lý tại lò đốt của Trung tâm y tế huyện, xử lý 2 lần/ngày bằng lò đốt Model: KW-20 NEW VERION, công suất 20 - 30kg/h. Tổng lượng chất thải rắn y tế trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý khoảng 50kg/ngày.

 Đối với lò đốt rác thải y tế của Trung tâm y tế huyện, Trung tâm đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn các cán bộ, công nhân thực hiện thu gom, phân loại đúng, xử lý rác thải y tế theo quy định.

Đối với chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực dịch vụ, may mặc, chế biến lâm sản... Lượng chất thải phát sinh có thành phần không độc hại hoặc có rất ít, vì vậy một phần được các chủ cơ sở tận dụng, thu gom bán phế liệu, phần còn lại đều đã ký kết hợp đồng thu gom và xử lý.

Toàn huyện có 437 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, ở 3 cụm công nghiệp của huyện có 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh. 100% số cơ sở đã có thủ tục môi trường và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thu gom và xử lý chất thải; đã đăng ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải nguy hại đối với đơn vị có chức năng.

Các xã trên địa bàn huyện đã có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nằm ngoài các khu dân cư tập trung. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp: huyện Cam Lộ có 3 Cụm công nghiệp đang hoạt động: các cụm công nghiệp được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định.

Đối với bảo vệ môi trường làng nghề, huyện có 02 làng nghề: làng nghề bún và làng nghề cao dược liệu. Đối với làng nghề dược liệu, chủ yếu nấu cao tại các hộ gia đình, có quy mô nhỏ, phân tán nên các hộ gia đình ký hợp đồng với Hợp tác xã để thu gom. Tất cả các hộ gia đình trong làng nghề đã có ký kết cam kết bảo vệ môi trường.

Đối với Làng nghề bún, huyện đang triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại làng bún; tạo điều kiện di dời 44 hộ dân làm bún ra khỏi khu vực dân cư nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại làng bún, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống cho nhân dân; góp phần thực hiện đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Một số mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng; tự chủ, tự quản hoạt động hiệu quả như:

Mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lộ với tỷ lệ thu gom đạt được khá cao (92,7% đối với chất thải rắn thông thường từ khu dân cư và 88,3% đối với chất thải rắn thông thường từ các chợ).

Xây dựng mô hình hương ước, quy ước bảo vệ môi trường: để huy động mọi người dân chung tay góp sức bảo vệ môi trường, bằng các hoạt động thiết thực, huyện Cam Lộ đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của thôn làng, xem đây là 1 trong những tiêu chí để xét tặng danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa; huy động toàn dân, nòng cốt là các đoàn thể, quần chúng (cựu chiến binh, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh…)  ra quân vệ sinh môi trường.

Mô hình xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi lợn bằng hầm biogas. Bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường, Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ cho các hộ gia đình trên địa bàn vùng nông thôn xây dựng các hầm biogas bằng vật liệu composite phục vụ xử lý môi trường chăn nuôi theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm (trong đó nhà nước: 40%; nhân dân: 60%) mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp các hộ tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi sau quá trình xử lý bằng hầm biogas làm khí đốt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường gắn với từng đối tượng cụ thể. Hội phụ nữ huyện Cam Lộ có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò chủ lực của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, chủ động kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên phụ nữ chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi bên cạnh đó tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các trục đường thôn xóm, khu dân cư, khu vực chợ; vận động hội viên phụ nữ tham gia phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”... nhằm thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Huyện đoàn Cam Lộ thực hiện các nội dung phong trào xây dựng văn minh đô thị, chung tay, góp sức bảo vệ môi trường quê hương. Tổ chức các hoạt động truyền thông chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, tháng Thanh niên, các ngày lễ về môi trường với hình thức đa dạng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến người dân.

Các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã tạo thành một phong trào thi đua, tự nguyện tham gia công tác vệ sinh môi trường, mang tính khoa học và xã hội hóa cao, đồng thời là cơ hội cho mọi người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, tìm ra các giải pháp thiết thực để BVMT, nâng cao chất lượng môi trường khu vực chính nơi người dân sinh sống. Việc triển khai các mô hình này đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Cam Lộ.

7 bài học kinh nghiệm

Để đạt được những kết quả đó, huyện Cam Lộ xin chia sẻ một số kinh nghiệm đã thực hiện trong công tác tuyên truyền, huy động người dân tham gia thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới như sau:

Trước hết, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng các nội dung thiết thực, cụ thể; trong đó đề cao vai trò của các hội đoàn thể thông qua các mô hình hoạt động cụ thể như “Ngày chủ nhật xanh”; “Mô hình 5 không 3 sạch”; “Tháng thanh niên”; “Ngày chỉnh trang nông thôn”; Mô hình thu gom rác thải; phân loại rác thải nhằm tạo sự lan tỏa; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, phát huy vai trò tuyên truyền của các cơ quan văn hóa, Ban Tuyên giáo; các cơ quan báo chí; đội ngũ công tác viên bằng các nội dung cụ thể như khẩu hiệu, hình ảnh, thông qua loa truyền thanh...

Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên bằng các hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường trước cổng nhà, đoạn đường trước cổng nhà; đăng ký công trình phần việc tại thôn, khu phố; ký cam kết bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình.

Thứ tư, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu; khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Duy trì phong trào chỉnh trang nông thôn hàng tháng.

Thứ năm, đối với các công trình xây dựng phải được phê duyệt các thủ tục liên quan đến môi trường trước khi triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đầu tư (đặc biệt các công trình đầu tư tại các cụm công nghiệp)

Thứ sáu, chủ động huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; xử lý rác thải phục vụ sinh hoạt và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc triển khai đầu tư xây dựng. Từ đó người dân thấy được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự cần thiết trong việc bảo vệ môi trường và tự nguyện tham gia chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thứ bảy, tăng cường đi cơ sở; nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri, đặc biệt các ý kiến liên quan đến môi trường, chỉ đạo kiểm tra, giải quyết kịp thời tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường nói riêng và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)