Huyện Chợ Lách (Bến Tre): Xây dựng làng văn hóa du lịch gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm và định hướng thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 10698

Chợ Lách là một trong 9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre, nằm phía trên cùng của cù Lao Minh, phía đông giáp huyện Mỏ Cày Bắc, phía tây giáp huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long, phía nam giáp sông Cổ Chiên, phía bắc giáp sông Tiền tỉnh Tiền Giang và sông Hàm Luông huyện Châu Thành. Diện tích 167,63 km2 trong đó diện tích đất nông nghiệp là 11.514 ha, diện tích trồng cây ăn trái 10.139 ha, diện tích sản xuất cây giống, hoa kiểng 371,7 ha. Toàn huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 01 thị trấn. Mật độ dân số 648 người/km2, tổng dân số 109.526 người, trong đó: khu vực thành thị 7.850 người, khu vực nông thôn 101.676 người. Có tuyến Quốc lộ 57 chạy xuyên qua theo trục Đông Tây nối liền với tỉnh Vĩnh Long.

Ảnh minh họa (Nguồn: nongthonmoi.gov.vn)

Xác định thế mạnh đó, qua gần 8 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Chợ Lách giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn 2020, đến nay thu hút trên 400 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan; trong đó khách quốc tế trên 60 ngàn lượt, khách nội địa trên 340 ngàn lượt; lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,2%, chủ yếu du khách đến với loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm. Tổng thu đạt trên 250 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 25,5%.

Đối với Bến Tre là tỉnh điểm trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm quốc gia. Đặc biệt, Chợ Lách là huyện điểm của tỉnh trong chỉ đạo xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, với lợi thế đó Chợ Lách đã tận dụng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được về kết cấu hạ tầng, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội - môi trường… để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Có thể liệt kê một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được xem là đặc sản của địa phương như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, bonsai, kiểng thú, cây giống - hoa kiểng các loại,… Ngoài ra, còn có các sản phẩm mang tính đặc trưng và bản sắc như rượu ca cao, mứt tắc đóng hộp, chậu xi măng, bội kẽm, gà nòi đá,… đối với sản phẩm du lịch nông thôn với loại hình phong phú, hấp dẫn; đặc biệt là Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách đây là sản phẩm mới trong chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Chợ Lách.

Xây dựng làng văn hóa du lịch gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Làng văn hóa du lịch là một mô hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường bền vững ở địa bàn nông thôn. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ năm 2017, Chợ Lách là nơi được chọn thí điểm xây dựng và phát triển Làng văn hóa du lịch - là mô hình làng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phạm vi của Làng văn hóa du lịch Chợ Lách là vòng kết nối 04 ấp: Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành). Vòng kết nối với tổng diện tích 1490,88 ha đi qua Huyện lộ 34, 35, 37 và Quốc lộ 57 thuộc 4 xã Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới và Vĩnh Thành. Trung tâm đặt tại xã Vĩnh Thành trong khu lưu niệm nhà khoa học Trương Vĩnh Ký. Từ đó, khách du lịch có thể tham quan các điểm du lịch của địa phương ở xung quanh như Nhà thờ Cái Mơn, nhà cổ, vườn sầu riêng, làng hoa giấy, làng nuôi gà nòi, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống lớn nhất cả nước,...

Làng văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng và phát triển góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. Ngoài ra, việc xây dựng làng văn hóa du lịch tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây là nhân tố quan trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Việc phát triển làng văn hóa du lịch có thể khuyến khích cộng đồng địa phương tự hào về văn hóa dân tộc và góp phần củng cố bản sắc cộng đồng. Để có thể khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa của địa phương, thông qua việc xây dựng làng văn hóa du lịch, tính đặc thù và tài nguyên bản địa phải được nhấn mạnh, thể hiện qua các sản phẩm du lịch cụ thể và đặc thù của từng địa phương.

Chợ Lách là địa bàn có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trên toàn tỉnh Bến Tre nói riêng và cả vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với điểm nhấn là “vương quốc” hoa kiểng, vùng đất cây lành trái ngọt, vùng sản xuất cây giống lớn nhất nước. Chính các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng sẵn có của vùng nông thôn với tính cạnh tranh cao của Chợ Lách là chất liệu thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Chợ Lách. Một trong những cách thức phù hợp để chuyển tải đầy đủ các giá trị đời sống sản xuất - sinh hoạt, văn hóa ký ức và hiện sinh của huyện Chợ Lách đến với du khách gần xa là xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch Chợ Lách.

Cùng với việc xây dựng đề án Làng văn hóa du lịch, Chợ Lách tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 01 trạm dừng chân, 11 điểm tham quan, homestay như: Ba Ngói (xã Vĩnh Bình); Hoa Vương, Nhà vườn Năm Hiền (thị trấn Chợ Lách); Jardin Du MeKong, homestay Hạnh Phúc (xã Hòa Nghĩa); Nguyễn Gia (xã Tân Thiềng); Lâm Nga, Bảy Thảo, Việt Hải (xã Vĩnh Thành); Vườn kiểng Hoàng Duy, Năm Công (xã Hưng Khánh Trung B)…

Ngoài việc chú trọng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, Chợ Lách còn quan tâm đặc biệt về du lịch làng nghề, đây được xem là điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đến nay, trên địa bàn huyện phát triển được 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống - hoa kiểng với trên 5.700 hộ tham gia. Thời gian qua, lượng du khách đến với làng nghề ngày càng tăng. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ tham quan quá trình làm ra một sản phẩm cây giống, hoa kiểng mà còn được nhà vườn và nghệ nhân hướng dẫn tham gia thực hiện các công đoạn chiết cây, ghép cành, uốn sửa tạo dáng kiểng, bon sai, tự tay tạo ra tác phẩm nghệ thuật hoa kiểng làm quà lưu niệm dành tặng cho người thân và bạn bè, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho người dân.

Ngoài được tôn vinh là “Vương quốc hoa kiểng”, huyện Chợ Lách còn được xem là “thánh địa” của gà nòi, là một trong những nơi giữ được nguồn gen của các giống gà nòi quý hiếm. Đến tham quan các điểm nuôi gà nòi, du khách sẽ được xem chọi gà nghệ thuật và có thể chọn mua những chú gà mà mình yêu thích. Không những thế, du khách còn có thể khám phát thiên nhiên bằng xe đạp, chèo thuyền, tắm sông, tát mương, bắt cá, tự chế biến các món ăn như bánh xèo hến, gỏi củ hủ dừa, gỏi gà măng cụt, gà nòi hầm sả, ốc gạo, lươn um lá cách nước cốt dừa, canh chua cá bông lau nấu bần,…

Trong 2 năm qua, huyện cũng đã tổ chức các buổi hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài huyện; hội thảo du lịch miệt vườn, góc nhìn khởi nghiệp huyện Chợ Lách; các buổi tọa đàm phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng - homestay huyện Chợ Lách. Đặc biệt, vào ngày 04 và 05/6/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa Du lịch huyện Chơ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn”, trong khuôn khổ Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre lần thứ nhất năm 2019 chủ đề “Sản phẩm OCOP - Tiềm năng và Phát triển”, nhằm: phát triển nhận thức về du lịch nông thôn thông qua xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch; chia sẻ lý luận và thực tiễn về phát triển Làng văn hóa du lịch tại Việt Nam; giới thiệu về tiềm năng, cơ hội phát triển cho du lịch huyện Chợ Lách, là tiền đề để Chợ Lách hoàn thiện, đạt được mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020…

Định hướng thực hiện sau năm 2020

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện công tác đào tạo. Yếu tố nguồn nhân lực đối với đề án là hết sức quan trọng, cần phải đưa lên hàng đầu. Do vậy, phải có chiến lược kế hoạch phối hợp với các tổ chức chuyên ngành về đào tạo, kiến tập, thực tập, tham quan học hỏi thực tế để có một đội ngũ đầy đủ các tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, trình độ, tâm huyết, ngoại ngữ… trực tiếp vận hành. Đối với người dân địa phương trực tiếp sản xuất cần chú trọng trang bị kiến thức cơ bản nhận biết về tầm quan trọng đối với đề án như kỷ thuật, giao tiếp, chuyên môn… bởi chính họ sẽ quyết định sự thành bại và phát triển của đề án.

Thứ hai, triển khai thực hiện phương án về hạ tầng. Việc huy động các nguồn lực là mấu chốt quan trọng để đẩy nhanh khả năng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng địa phương. Gắn với việc phát triển hạ tầng, tiến hành rà soát lại các quy hoạch hạ tầng để đảm bảo tính khoa học, tăng tính thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng và dựa vào nguồn đất công để đổi lấy đất hạ tầng. Mạnh dạn giao quyền chủ động khai thác, sử dụng để tạo thêm vốn cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng.

Đưa các sáng kiến liên kết vùng, xây dựng chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng làm xương sống cho hệ thống giao thông và cấu trúc không gian đô thị thông minh. Phối hợp với các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương nhằm vận dụng các cơ chế, chính sách, huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông. Chú trọng các nguồn lực xã hội thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư để đầu tư cho các công trình giao thông. Tập trung vốn cho những công trình giao thông có khả năng sớm hoàn thành để đưa vào khai thác, phát huy ngay tác dụng; đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải.

Thứ ba, triển khai thực hiện phương án về cảnh quan. Dựa trên đặc điểm kinh doanh hoa kiểng, cây giống của từng ấp sẽ có bố trí cảnh quan cho Làng phù hợp. Làng văn hóa du lịch Chợ Lách được thiết kế và xây dựng để trở thành “vương quốc” của cây giống, cây ăn trái, hoa kiểng. Mô hình Làng văn hóa du lịch Chợ Lách là sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Do đó, diện mạo của Làng văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng trên những thế mạnh vốn có của vùng đất cây lành, trái ngọt, giàu truyền thống lịch sử, địa linh nhân kiệt, vùng đất của nơi hội tụ tiềm năng du lịch sông nước với hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên.

Thứ tư, phát triển, khôi phục ngành nghề truyền thống và xây dựng các mô hình hoạt động du lịch gắn với sản xuất chủ lực của địa phương. Phát triển làng nghề thủ công truyền thống, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách trong nước và quốc tế, vừa nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thứ năm, xây dựng Trung tâm nghiên cứu, lai tạo và bảo tồn cây giống, khu bảo tồn dừa quốc tế. Trung tâm nghiên cứu phục vụ du lịch tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù cho Bến Tre với hệ thống quần thể thực vật được nghiên cứu và phát triển như Trung tâm nghiên cứu cây giống và bảo tồn dừa thế giới. Không gian của Làng văn hóa du lịch là không gian mở, phát triển Trung tâm nghiên cứu, lai tạo và bảo tồn cây giống phục vụ du lịch cho Làng văn hóa du lịch Chợ Lách tại địa bàn huyện Giồng Trôm.

Thứ sáu, ngoài ra, còn thực hiện một số nội dung đề án như: xây dựng cơ sở dữ liệu Làng văn hóa du lịch phục vụ kết nối các sản phẩm du lịch, đánh giá các cơ sở tham gia hoạt động trong Làng văn hóa du lịch, triển khai dự án nhà tiêu bản Làng văn hóa du lịch, tổ chức Festival Du lịch, đánh giá xếp hạng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách như sản phẩm OCOP, tổ chức sưu tầm và trưng bày về lịch sử cuộc đời Petrus Ký, thiết kế Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn dừa thế giới.

Như vậy, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách hứa hẹn trở thành điểm đến đặc thù miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương. Làng văn hóa du lịch Chợ Lách là một sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến việc kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiến đến phát triển bền vững mô hình du lịch nông thôn. Đồng thời, là sản phẩm OCOP trọng điểm của tỉnh Bến Tre theo quan điểm liên kết tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh: môi trường xanh, văn hóa xanh và phát triển trong sự hài hòa các mối quan hệ. Xây dựng Làng văn hóa du lịch còn góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho địa phương, đóng góp trở lại việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm kích thích và giữ vững thành quả của phong trào nông thôn mới tại huyện Chợ Lách.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)