Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 18012

Cụ thể hóa Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, năm 2011, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Phong trào đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, cổ vũ thanh niên hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa (Nguồn: doanthanhnien.vn)

Nội dung của Phong trào tập trung vào các vấn đề: Tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ thanh niên nghèo, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tham gia xây dựng, tu bổ giao thông (cầu và đường nông thôn), thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; xây dựng các mô hình kinh tế của thanh niên, các mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế của thanh niên; hỗ trợ thanh niên nông thôn trong học nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ thanh niên nông thôn vốn vay phát triển sản xuất; tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn; xây dựng các mô hình, đội hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường… Đây đều là những vấn đề trọng yếu trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; phù hợp, sát với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới hàng năm.

Vai trò của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo đẩy mạnh phong trào, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lựa chọn và huy động lực lượng, nguồn lực hỗ trợ 03 xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới, gồm: xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu hoàn thành các tiêu chí trong năm 2015.

Để tạo cơ chế, nguồn lực cho các cấp bộ Đoàn triển khai các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, Trung ương Đoàn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Đề án: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xung kích bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”; đồng thời, ban hành các nghị quyết, kết luận để hỗ trợ thanh niên làm kinh tế.

Phát động và triển khai các phong trào nhánh để cổ vũ, hỗ trợ thanh niên hăng say làm kinh tế, như: Phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, với 4 nội dung trọng tâm: Tư duy mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới, nếp sống mới; Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” để cải tạo môi trường sống, làm cho cảnh quan nông thôn tươi đẹp hơn.

Chọn chủ đề Tháng Thanh niên và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2017 là “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và cảnh quan môi trường.

Hằng năm, đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào Bộ tiêu chí đánh giá thi đua để vừa định hướng cho các cơ sở Đoàn hoạt động, đồng thời vừa tạo không khí thi đua giữa các đơn vị trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, ký kết các Chương trình phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo nguồn lực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế… Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, XI, đều đưa Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới thành một nội dung của Phong trào, qua đó đã thu hút đông đảo thanh niên trên địa bàn cả nước cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, nhất là đội ngũ trí thức trẻ.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ đoàn đặc biệt quan tâm, qua đó, thanh niên và người dân đã nắm được các chủ trương, chính sách, cách thức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, những mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình. Qua đó, xuất hiện nhiều thanh niên tự nguyện hiến đất làm đường và xây dựng các công trình văn hóa - xã hội; xuất hiện nhiều mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, nhiều tuyến đường thanh niên kiểu mẫu; phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng các công trình dân sinh; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; huy động thanh niên tích cực giữ gìn, bảo vệ môi trường ở nông thôn; đi đầu tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tham gia giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Phương thức tuyên truyền được các cấp bộ đoàn và các đơn vị triển khai đa dạng, từ tổ chức sinh hoạt tới thực hiện mô hình sân khấu hóa, hay tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống pano, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi... Điểm nổi bật nhất trong công tác tuyên truyền của Đoàn là phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng 248 số truyền hình thực tế Chương trình “Sinh ra từ làng”, giới thiệu, tuyên truyền các nhà nông trẻ xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, phát trên các kênh VTV1, VTV6 (01 số/tuần); giới thiệu với các tấm gương tiêu biểu với VTC16 xây dựng và phát sóng chương trình Sao thần nông... Hoạt động tuyên truyền của tổ chức Đoàn đã góp phần làm cho thanh niên và nhân dân hiểu đầy đủ hơn về xây dựng nông thôn mới, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia thực hiện, đây chính là vai trò nổi bật nhất.

Thứ ba, phát huy tốt vai trò thanh niên làm nòng cốt trong xây dựng hạ tầng và bảo vệ môi trường nông thôn. Từ điểm khác biệt căn bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới so với nhiều chương trình khác, đó là việc giao cho cộng đồng tự thi công các công trình hạ tầng có quy mô nhỏ, thiết thực, đơn giản, như: Đường giao thông thôn, xóm, cầu dân sinh, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn… Chính điều này đã tạo cơ sở để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vận động, huy động lực lượng tham gia đóng góp ngày công để xây dựng các công trình. Trung ương Đoàn đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các đoàn trực thuộc tham gia xây dựng nông thôn mới, tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn ở các tỉnh chỉ đạo điểm; khởi công xây dựng 35 Làng Thanh niên lập nghiệp khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn, đã triển khai thực hiện Dự án “Thí điểm xây dựng cầu nông thôn các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn” với hơn 100 cầu nông thôn; đang triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cầu nông thôn các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020” tại 32 tỉnh với 450 cầu.

Các địa phương đã huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho thanh niên và cư dân nông thôn. Trong đó, nhiều hoạt động đã mang tính rộng khắp và thu hút đông đảo thanh niên tham gia hưởng ứng, được xã hội đồng tình, ghi nhận, đánh giá cao, như: tổ chức đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn; cầu giao thông nông thôn; thắp sáng đường giao thông nông thôn; thực hiện các công trình đoạn đường thanh niên; nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà văn hóa thôn, nhà nhân ái, trường học, các công trình cấp và chứa nước, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà khăn quàng đỏ; xây dựng sân chơi cho thanh thiếu nhi; vận động nhân dân làm cột cờ, hàng rào… Nhiều tỉnh, thành đoàn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới chuyên đảm nhận các nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Kết quả, đoàn viên, thanh niên cả nước đóng góp hàng triệu ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa hơn 31.500km đường giao thông nông thôn, 61.999km kênh mương nội đồng, 2.820 nhà văn hóa, 5.255 nhà nhân ái, nhà bán trú dân nuôi.

Ảnh minh họa (Nguồn: doanthanhnien.vn)

Thứ tư, hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh, sạch, đẹp. Các cấp bộ Đoàn đã tập trung vào việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kiến thức phân loại, xử lý rác thải cho từng hộ gia đình; tổ chức các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom, xử lý rác thải tại các điểm tồn đọng; trồng cây xanh, quét vôi cho cây xanh dọc một số tuyến đường; phát quang bụi rậm; khơi thông kênh, rạch, thực hiện tuyến đường xanh - sạch - đẹp; hướng dẫn và vận động nhân dân bỏ rác đúng nơi quy định; vận động người dân sử dụng túi sinh thái thân thiện với môi trường; hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách; giúp đồng bào dân tộc thiểu số di chuyển nhà tiêu ra xa chỗ ở; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Duy trì hiệu quả Ngày Thứ 7 Tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; triển khai và duy trì hiệu quả các mô hình Con đường bích họa, Đường hoa thanh niên, Tái chế lốp xe thành bồn hoa - sân chơi cho thiếu nhi, Vườn ươm thanh niên, Giữ sạch cánh đồng quê hương, Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường cấp xã, Làng xã xanh - sạch - đẹp, Tuyến đường thanh niên tự quản… Những mô hình, hoạt động của Đoàn đã góp phần tích cực hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp của thanh niên đã góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Từ việc định hướng của tổ chức Đoàn, hiện nay, ở nông thôn đang ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tự vươn lên làm giàu bằng nghề nông. Ở đây, phải kể đến vai trò của các cấp bộ đoàn trong phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu; xây dựng, duy trì và củng cố các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên (tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên); tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được tổ chức đa dạng với nhiều hoạt động như: truyền thông về khởi nghiệp; các cuộc thi về khởi nghiệp, như: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn, Startup Hunt (cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề du lịch), Cuộc thi Start-up Student Ideas - Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên… đã thu hút hàng triệu thanh niên, sinh viên tham gia với các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tích cực vào hệ sinh thái khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động tôn vinh, biểu dương gương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi… Đặc biệt, việc hàng năm Trung ương Đoàn tổ chức xét chọn, trao Giải thưởng Lương Định Của cho hàng trăm thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần cổ vũ, khích lệ thanh niên hăng hái thi đua làm giàu bằng nghề nông.

Ngoài ra, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung ương Đoàn thành lập Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp. Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ, kết nối các ý tưởng thanh niên làm kinh tế, quản lý các nguồn vốn đầu tư, cho vay hoặc được ủy thác; tư vấn, hỗ trợ và đào tạo kỹ năng cho thanh niên triển khai thực hiện ý tưởng kinh doanh; kết nối các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên phát triển ý tưởng kinh doanh; thiết lập và tổ chức thực hiện các hoạt động định hướng cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước…

Đặc biệt, Chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham xây dựng nông thôn mới” đã phát huy đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên xuất sắc, đội ngũ cán bộ ở các viện nghiên cứu và các sở, ngành đến các địa bàn khó khăn hỗ trợ cư dân nông thôn xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động của các đội trí thức trẻ tình nguyện tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; nghiên cứu các đề tài về nông nghiệp; định hướng cho cư dân các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức các hoạt động tình nguyện xây dựng các công trình dân sinh; giúp dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.

Thứ sáu, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn: Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, các cấp bộ đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa đài phát thanh địa phương, qua các buổi sinh hoạt chi đoàn; thành lập các mô hình như: Đội thanh niên tình nguyện, đội thanh niên xung kích an ninh, đội thanh niên cờ đỏ, đội an ninh trật tự tại chỗ, chi đoàn dân quân tự vệ... thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị tại địa phương, nhất là trong các ngày lễ, tết... Các tỉnh, thành đoàn chủ động xây dựng “Chi đoàn thôn, xóm, tổ nhân dân 5 không” (Không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không có hộ thanh niên nghèo, không mất đoàn kết trong cộng đồng, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp); “Xã 3 không” (Không vi phạm pháp luật an toàn giao thông, không tham gia tệ nạn và tội phạm ma túy, không tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức), thành lập các câu lạc bộ “Thanh niên phòng chống tệ nạn xã hội”, “Thanh niên phòng chống ma túy”; “Thanh niên phòng chống mại dâm”, tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh tại các nhà trường ký cam kết “Lớp học, trường học, khu dân cư không có thanh niên vi phạm các tệ nạn xã hội”…

Công tác tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự, pháp lệnh dân quân tự vệ; gặp mặt, tặng quà, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ và đón nhận thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương được quan tâm triển khai; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Đoàn Thanh niên các địa phương với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn cũng được đẩy mạnh, góp phần tổ chức hiệu quả phong trào “Đoàn kết ba lực lượng”, “Tìm địa chỉ đen”, “Đường dây nóng”, “Hòm thư tố giác tội phạm”.

Thứ bảy, tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn: Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia các hoạt động lễ hội lành mạnh; tham gia tu sửa, làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương; vận động đoàn viên thanh niên nông thôn đi đầu bài trừ các hủ tục lạc hậu, gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên khai thác và sử dụng có hiệu quả các điểm truy cập Internet; duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ dân số; tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao giữa tổ chức Đoàn địa phương với thanh niên lực lượng vũ trang, thanh niên trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn…

Nhằm tạo ra nhiều sân chơi cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi và phong phú, như: tổ chức các giải thi đấu chạy việt dã, thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…; tổ chức các hội thi “Tuyên truyền ca khúc cách mạng”, “Cán bộ Đoàn tài năng thanh lịch”, “Lễ hội mùa trái chín”, “Hương sắc miệt vườn”, “Thôn nữ duyên dáng miệt vườn”…; tổ chức các hội trại truyền thống, gian hàng ẩm thực; tổ chức các câu lạc bộ tuyên truyền về du lịch, văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của đoàn viên, thanh niên và cũng là phương thức tập hợp, đoàn kết thanh niên hiệu quả.

Sau gần 09 năm triển khai thực hiện, Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sôi động của tuổi trẻ cả nước, thu hút đông đảo thanh niên và nhân dân tham gia. Thông qua Phong trào, đã làm thay đổi nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên và nhân dân: từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới; từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa; từ sản xuất đơn lẻ, sang mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống giản đơn sang ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại và dần hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển sản xuất đã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thanh niên. Số hộ nghèo do thanh niên làm chủ giảm nhanh, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn thanh niên và cư dân nông thôn từng bước được cải thiện. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn được phát huy và nâng lên về chất./.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)