Biện Biên: Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng khó khăn

28/12/2020 15:35
  • Print
  • Lượt xem: 6425

Tỉnh Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc có diện tích tự nhiên là 9.541,25 km2. Là tỉnh có chung đường biên giới với 02 quốc gia Trung Quốc và Lào. Là đầu mối giao lưu của vùng Tây Bắc - Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc. Dân số tính đến nay gần 600 ngàn người với 19 dân tộc sinh sống. Tỉnh Điện Biên có 130 xã, phường, thị trấn, thì có 101 xã đặc biệt khó khăn, trong số này có 29 xã biên giới và 1.097 thôn, bản khó khăn.

Người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đào đường nội đồng. Ảnh: huyennampo.gov.vn

Tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với 116 xã; xuất phát điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011, bình quân là 1,4 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,5 triệu đồng/người...; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn rất yếu kém, thiếu đồng bộ; hầu hết các thôn (bản) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phân bố rải rác, cư trú phân tán, xa trung tâm; hệ thống thông tin tuyên truyền còn hạn chế; tình trạng dân di cư tự do vào khu vực biên giới có diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự,...

Về cơ bản tỉnh Điện Biên không có nhiều thuận lợi khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới; có lẽ thuận lợi nhất của tỉnh Điện Biên là 1 trong 11 tỉnh có xã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới, đó là xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. Vì vậy, tỉnh Điện Biên nhận được nhiều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Đến hết năm 2015, tỉnh Điện Biên mới có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã điểm Thanh Chăn, huyện Điện Biên; số tiêu chí bình quân 5,5 tiêu chí/xã; còn 68 xã dưới 05 tiêu chí và nằm trong nhóm tỉnh có kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt thấp ở khu vực miền núi phía Bắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ.

Trước thực trạng đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã tập trung thảo luận, phân tích, chỉ ra những tồn tại hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện để bàn giải pháp, từ đó ban hành các Nghị quyết, giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2016 - 2020 để tổ chức triển khai thực hiện. Phải nói rằng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt của từng Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và từng cá nhân các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu là bắt đầu từ năm 2016 đến nay, cùng với đó là nhận thức về Chương trình xây dựng nông thôn mới và sự ủng hộ đồng tâm, đồng lòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu được nâng lên rõ rệt. Kết quả sau 03 năm triển khai giai đoạn 2 của Chương trình, đến nay Điện Biên đã có 22 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 15 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2020 là 7 xã); Số tiêu chí bình quân là 9,8 tiêu chí/xã tăng 8,4 tiêu chí so với năm 2011; hoàn thành mục tiêu không còn xã dưới 05 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,0 triệu đồng lên 18,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 44,26%.

Giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khó khăn

Giai đoạn tới, mục tiêu tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu); 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 10 tiêu chí; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 22% (bình quân giảm 3%/năm); thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn gấp 1,2 lần so với năm 2020; các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên xác định, tập trung ưu tiên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản theo kế hoạch và quyết định Bộ tiêu chí tỉnh đã phê duyệt, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức thiết thực; củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn nhiệm vụ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt cấp huyện, xã và thôn, bản.

Thứ hai, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thiết yếu, cơ bản ở nông thôn; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với đẩy mạnh triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và xem đây là định hướng trọng tâm.

Thứ tư, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng ở các vùng nông thôn.

Thứ năm, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn (thu gom xử lý nước thải, chất thải, bao gói thuốc bảo vệ thực vật…) và cải tạo cảnh quan môi trường; trong đó, tập trung phát triển các mô hình thôn, bản xanh - sạch - đẹp làm tiền để cho phát triển du lịch cộng đồng.

Triển khai các giải pháp mạnh để kiềm chế và xử lý triệt để các vấn đề tội phạm liên quan đến ma túy, tình hình phức tạp của truyền đạo trái phép; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh trật tự xã hội thông qua phát huy vai trò của các trưởng bản, người đứng đầu dòng họ và người có uy tín.

Thứ sáu, tăng cường nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo; trong đó  nâng cao hiệu quả của đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các Chương trình/Đề án cụ thể trên địa bàn. Đồng thời quan tâm, tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng; thực hiện tốt công tác cán bộ cơ sở, tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở huyện, xã khó khăn để tạo sự chuyển biến trong triển khai Chương trình.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)