Lan tỏa những tấm gương điển hình học và làm theo Bác

21/05/2019 09:18
  • Print
  • Lượt xem: 8924

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình đã xuất hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Khen thưởng các tập thể tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Những mô hình hay, những tấm gương tiêu biểu


Theo ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, giai đoạn 2016-2018, tỉnh Sóc Trăng có 2.397 tập thể, cá nhân được các cấp, ngành, địa phương biểu dương, khen thưởng (trong đó 653 tập thể và 1.744 cá nhân). Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, gương người tốt việc tốt, nghĩa cử cao đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực, các địa phương, cơ quan đơn vị trong tỉnh.

Nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội như mô hình “Làm hết việc không hết giờ”, “Nụ cười công sở”, “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” của các đơn vị cơ quan hành chính; mô hình “Chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, mô hình “Bếp ăn từ thiện”, tổ chức quyên góp trong lực lượng xây dựng “Nhà đồng đội”, “Nâng bước em đến trường” của các lực lượng vũ trang; mô hình “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Tổ nhóm tiết kiệm”, “Thắp sáng đường quê”, “Nhà tình bạn”, “Nhà nhân ái”…của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; mô hình “Phát huy triết lý đạo Phật - Làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ thực hiện từ thiện giúp người”, “Thiện nguyện cứu người” của các tổ chức tôn giáo...

Bên cạnh điển hình là các tập thể, nhiều tấm gương tiêu biểu cũng xuất hiện ở các lứa tuổi, ngành nghề. Điển hình như việc nhặt được của rơi có giá trị lớn trả lại người mất của 3 thiếu niên Đỗ Văn Bằng, Trần Thanh Mới, Lê Nhĩ Khang ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị; tấm gương cô giáo Lý Thị Thanh Thúy, Trường Tiểu học An Thạnh 2B, huyện Cù Lao Dung, nhận dạy em Trần Thị Hiếu Thảo không có tay, chân, sau 6 tháng, em đã đọc thông, viết thạo; Tiến sĩ Trần Tấn Phương đưa gạo Sóc Trăng vươn ra thế giới...

Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, ông Lâm Tấn Hòa cho rằng, các cấp ủy Đảng người đứng đầu cơ quan đơn vị cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện gương mẫu tiên phong để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư  tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự nguyện, tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân. Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, động viên khen thưởng kịp thời để những nhân tố điển hình được lan tỏa mạnh mẽ.

Những “bông hoa” tiêu biểu

Trong số những nhân tố điển hình được tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác có nhiều tấm gương tiêu biểu, đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đơn vị, địa phương mình.

Đó là Đại úy Lê Thị Quỳnh công tác ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Với ý thức “cứu người như chữa lửa”, bằng tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ Công an, chị đã cứu sống em bé 18 tháng tuổi bị đuối nước mà người nhà em tưởng chừng không qua khỏi. 

Trong lĩnh vực giáo dục, cô giáo Trương Thị Thu Vân, giáo viên Trường Mẫu giáo Mai Hoa, Phường 5, thành phố Sóc Trăng là tấm gương sáng. Cô Vân luôn nhiệt tình và đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do nhà trường và ngành tổ chức, nhất là hội thi giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học. Đặc biệt, cô luôn đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục. Để tạo sự hứng thú, kích thích tính sáng tạo của học sinh, cô tự tìm tòi và tận dụng các vật liệu để thiết kế thành những đồ học, đồ chơi có ích... Ngoài là giáo viên giỏi của trường, luôn được phụ huynh tin yêu, học trò quý mến, cô Vân còn là thành viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng. Từ năm 2002 đến tháng 3/2019, cô đã có 31 lần hiến máu cứu người và vận động người khác cùng hiến máu tình nguyện, tham gia hoạt động vì cộng đồng khác. Đặc biệt, cuối năm 2018, cô đã chính thức ghi tên mình vào danh sách những người hiến xác cho y học.

Nông dân Lâm Văn Phấn, hội viên Hội Nông dân xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên là điển hình xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng. Ông Phấn là người Khmer cần cù trong lao động, hết lòng vì cộng đồng. Ông đã vận động được trên 2 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, bắc cầu qua sông, rạch kết nối khu dân cư. Ngoài ra, ông còn vận động xây dựng được 2 nhà giữa đồng để nông dân tránh mưa nắng, nghỉ ngơi sau những phút lao động mệt nhọc. Việc làm của ông cùng những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên - xã có đông đồng bào Khmer (chiếm hơn 70% dân số), sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Theo ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, những kết quả trên là sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong học và làm theo Bác. Những tấm gương điển hình này đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Trung Hiếu (TTXVN)

VIDEO