Ông giáo làng“vẽ” chân dung Bác bằng hạt đậu

12/04/2020 20:58
  • Print
  • Lượt xem: 2868

Mỗi người đều có cách của riêng mình để thể hiện tình cảm với Bác. Ông Trương Khắc Thới (Kiến Xương, Thái Bình) đã chọn cách dùng chính những sản vật quê hương để “vẽ” nên bức tranh chân dung của Người từ nhiều loại hạt.

Ông Trương Khắc Thới bên bức chân dung Bác Hồ bằng hạt đậu

Ý nghĩa hơn, bức tranh được kỳ công làm từ những hạt đậu, hạt thóc ấy đã được ông tặng cho Trường THCS Bình Minh (Kiến Xương), nơi ông từng công tác với mong muốn đẩy mạnh công cuộc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ. Thầy Lương Khánh Phụng, Hiệu trưởng Trường THCS xã Bình Minh chỉ vào bức chân dung đang treo trang trọng trong phòng truyền thống, nói: “Hai cây bàng cổ thụ, những bức ảnh thầy, trò chụp từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước đều rất ý nghĩa với trường. Nhưng bức tranh Bác Hồ được làm bằng hạt đậu này là kỷ vật vô giá của trường chúng tôi”.

Được biết năm 2008, vào đúng dịp sinh nhật Bác Hồ, ông Thới đã quyết tâm thực hiện bức tranh như một cách để tưởng nhớ Người. Bức tranh hoàn thiện, nhiều người từng ngỏ ý mua với giá rất cao nhưng ông không bán, bởi ông nghĩ, nếu tranh được treo tại trường học, giá trị giáo dục sẽ được lan tỏa tới từng em học sinh. Đây mới là mục đích cao đẹp mà ông Thới muốn hướng tới. Thật vậy kể từ khi có bức tranh, nhìn thấy Bác, cả thầy và trò đều như có thêm động lực phấn đấu, vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tác phẩm ấy đã cùng nhà trường đi qua những năm tháng khó khăn nhất. Giờ đây, ngôi trường đã có nhiều đổi thay, những dãy phòng cấp 4 đã được thay thế bằng bê tông kiên cố, chỉ có bức tranh chân dung Bác Hồ là thứ duy nhất không thay đổi, bởi niềm tự hào ấy vẫn đang được từng thế hệ thầy, trò lưu giữ, bảo quản.

Bức tranh nhận được nhiều lời khen vì độ tinh xảo nhưng ai cũng ngạc nhiên khi được biết, tác giả tạo nên lại là một họa sĩ nghiệp dư. Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Thái Bình năm 1960, chàng sinh viên khoa toán Trương Khắc Thới lại đam mê và yêu thích hội họa. Với tình yêu bao la đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã luôn chọn Bác làm đề tài cho những bức tranh của mình. Dù chỉ tự mày mò học về hội họa qua sách vở sưu tầm, nhưng những bức tranh ông vẽ về Người đều rất có hồn, miêu tả chính xác từng chi tiết về vị anh hùng dân tộc. Thế nhưng, điều ông luôn trăn trở là làm sao đưa được bản sắc của quê hương “năm tấn” vào trong tác phẩm của mình. Thế rồi, ông quyết định chọn những hạt thóc, hạt đậu từ chính mảnh đất Thái Bình để tạo nên bức tranh để đời về Bác.

Vẽ tranh bằng cọ vốn đã chẳng bao giờ là dễ dàng, việc sắp xếp cả nghìn hạt đậu, hạt thóc để tạo thành một bức tranh lại càng khó hơn gấp bội. Ông Thới đã lựa chọn tỉ mỉ từng hạt sao cho thật đều nhau mới có thể tạo ra hình khối cho tranh. Đặc biệt, thóc trong tranh phải là giống thóc tám có màu đen, một giống lúa xưa chỉ đất Thái Bình mới có.

Kỳ công suốt hơn 10 tiếng đồng hồ, bức tranh cao 1m, rộng 0,85m đã được ông hoàn thành. Trông từ xa, tác phẩm giống như bức ảnh cũ đã ngả màu, nhưng chính gam màu vàng, đen đầy hoài niệm ấy là điểm đặc biệt của bức tranh. Em Nguyễn Minh Hương (học sinh trường THCS Bình Minh) bày tỏ: “Mỗi lần ngắm bức chân dung Bác Hồ này, em luôn xúc động bởi đây không chỉ là tiếng nói tri ân đến Bác của những người con Thái Bình, mà còn là lời nhắc nhở tới chúng em cùng nhau học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sống sao cho xứng danh con cháu Cụ Hồ”.

Nguồn: Báo Văn hóa

VIDEO