Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam gắn với việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” bằng các hình thức phù hợp; chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các giai tầng xã hội tham gia hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc hóa da cam ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phát động.
Đồng thời, phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần trong khắc phục hậu quả của chất độc da cam đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt nam; tổ chức tham hỏi, động viên, tặng quà cho các nạn nhân, nhất là các nạn nhân nặng, không nơi nương tựa, gia đình có nhiều nạn nhân… nhân dịp kỷ niệm.
Hội Cựu chiến binh phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các cơ quan liên quan rà soát đối tượng là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nhưng chưa hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước để báo cáo cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu cấp ủy chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm; chú trọng định hướng thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt Đảng và sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, các ấn phẩm tuyên truyền… Vận động cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên báo chí đăng tải, chia sẻ các thông tin về các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân dịp kỷ niệm trên internet, mạng xã hội.
Thường xuyên nắm tình hình, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, những hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết, khắc phục hậu quả chất độc da cam và giúp đỡ các nạn nhân.
Các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc da cam; biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; động viên, khích lệ các nạn nhân và thân nhân vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc da cam để lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, khuyến khích cán bộ, phóng viên, biên tập viên tham gia Giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ I (2020 - 2021) do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động.
Anh Cao