Tiếp thu tối đa những góp ý có lợi cho đất nước, cho Nhân dân

23/10/2020 17:52
  • Print
  • Lượt xem: 6668

Việc lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh: TTXVN

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, đây là lần xin ý kiến rộng rãi nhất của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đặc biệt nhấn mạnh "chúng ta phấn đấu để đường lối của Đảng không phải chỉ của Đảng mà giá trị đường lối của Đảng chính là ở chỗ có phản ánh đúng nguyện vọng, có phản ánh được trí tuệ của nhân dân hay không."

Điều này chúng ta đang phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ. Bác dạy, đường lối của Đảng phải bắt đầu từ dân chúng và trở về với dân chúng, nên lần xin ý kiến này của Nhân dân rất quan trọng, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú khẳng định.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho biết Trung ương đã phân công các đầu mối có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Các ý kiến sẽ được chuyển về các Tiểu ban và các Tổ biên tập sẽ nghiên cứu rất nghiêm túc, tiếp thu đến mức cao nhất những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh văn kiện.

Sau khi nhân dân góp ý, các Tiểu ban tiếp thu, hoàn thiện, Bộ Chính trị lắng nghe, Trung ương lắng nghe một lần nữa để tiếp thu triệt để ý kiến của dân rồi mới trình ra Đại hội. Quy trình lần này làm chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn- Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đánh giá.

"Các Tiểu ban phải giải trình ý nào tiếp thu và tiếp thu thế nào, thể hiện trong văn bản thế nào so với trước; chỗ nào tiếp thu, chỗ nào chưa tiếp thu, vì sao. Tức là phải giải trình rất cặn kẽ lý do tiếp thu và những chỗ chưa tiếp thu", Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú nêu.

Qua lần lấy ý kiến nhân dân để "phấn đấu ý Đảng, lòng dân là một. Những điểm Nhân dân đóng góp, hợp lý, có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì phải tiếp thu tối đa," Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú khẳng định.

Thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Nguồn: TTXVN

VIDEO