Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Bài 3: Công tác cán bộ là gốc

06/10/2022 10:00
  • Print
  • Lượt xem: 5525

Qua hơn 90 năm rèn luyện phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là "nhiệm vụ then chốt", trong đó công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Bởi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Do vậy, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ và của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng hoàn thiện mình, xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín, phải ngang tầm nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. "Cán bộ nào thì phong trào đó"; muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn.

Những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế để tổ chức thực hiện, công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.

Các quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ được quan tâm, chú trọng, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Trung ương đã mở các lớp cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; lớp bồi dưỡng cho cán bộ diện quy hoạch cấp chiến lược; có cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài...

Trong nhiệm kỳ khóa XII, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng không là người địa phương làm bí thư nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố cũng đã luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ không là người địa phương làm bí thư huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh trực thuộc Trung ương. Cụ thể, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến.

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh, trong sạch, tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm, đã kế thừa, bổ sung một số nội dung của Quy định số 47- QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm trước đó. Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung quy định một số hành vi mà đảng viên không được làm như: Không có hành vi chạy chức, chạy quyền... hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội...

Nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và cập nhật đầy đủ các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong tình hình mới, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị. Điểm mới nổi bật của Quy định lần này là việc Bộ Chính trị đã quy định hai hình thức “miễn nhiệm” và “từ chức” đối với cán bộ và áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, tạo bước đột phá mới, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với người đứng đầu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017, nêu rõ nguyên tắc: Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cần căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của cán bộ; đồng thời xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc; không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật…

Nêu gương là trách nhiệm của người cán bộ

Bị can Phạm Xuân Thăng (trái) và bị can Phạm Mạnh Cường (phải). Ảnh: TTXVN phát

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã nhiều lần được đề cập trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng, cho thấy Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhưng đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều này một lần nữa khẳng định việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định:“Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: "Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn".

Nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường trong công tác, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc ban hành Kết luận số 14-KL/TW một lần nữa khẳng định đây là vấn đề được Đảng rất quan tâm, qua đó giúp cán bộ, đảng viên tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân.

Thực tế, bên cạnh những cán bộ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, thì vẫn còn cán bộ, đảng viên "dám làm" vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây nguy hại cho đất nước, nhân dân, khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Những hành vi đó cần được xử lý nghiêm minh. Như vụ việc tiêu cực liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, gồng mình chống dịch thì hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cán bộ ngành y tế, sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang... lại liều lĩnh bắt tay với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á để trục lợi từ đại dịch. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can với hàng loạt tội danh: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hiện 62/63 cơ quan điều tra cấp tỉnh đã vào cuộc. Trong những người vi phạm bị bắt tạm giam có cả Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.

Trước thực tế, hàng loạt vụ việc vi phạm bị xử lý, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, lĩnh án tù, chúng ta càng cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý, phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ khi lựa chọn, bố trí cán bộ, đừng "nhìn gà hóa cuốc," đừng "thấy đỏ tưởng là chín"; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.

Liên quan đến Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ Đảng đối với ông Tô Anh Dũng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Những vi phạm được chỉ ra là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; làm sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch COVID-19 bùng phát; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy sự sa ngã của một số đảng viên, một thời từng là những cán bộ cốt cán được Đảng tin, dân trọng - chính là hậu quả của sự thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, không đề cao trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên.

Bài cuối: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

 

Nguồn: baotintuc.vn/ttxvn

VIDEO