Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Bài cuối: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

06/10/2022 10:00
  • Print
  • Lượt xem: 3154

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực, góp phần phát hiện, xử lý các vi phạm cần được ngăn chặn từ sớm, từ xa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Kiểm tra phải đi trước một bước

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống, những điều đảng viên không được làm, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh thái độ, suy nghĩ, hành vi đúng với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đúng với Điều lệ và các quy định của Đảng. Đó cũng là sự cảnh tỉnh, cảnh báo đối với các cán bộ, đảng viên khác không đi vào “vết xe đổ” của những người vi phạm, luôn đặt mình trong tổ chức, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Thực tế cho thấy, không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Việc kiểm tra, giám sát có mục đích để phát hiện và uốn nắn những sai trái. Giám sát như camera theo dõi, còn kiểm tra là tuân theo các quy trình chặt chẽ và ban hành kết luận. Giám sát để mang tính phòng ngừa là chính. Cho nên bắt đầu từ Đại hội XI, bên cạnh "kiểm tra" đã có thêm nội dung "giám sát".

Những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Qua đó, đã làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Như Hội nghị Trung ương 5, khóa X “Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”...

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng luôn được đổi mới mạnh mẽ. Nhiều vụ việc, cơ quan kiểm tra đã “đi trước, mở đường”; chủ động, không chờ đợi kết quả công tác điều tra, thanh tra; thậm chí một số vụ việc kết quả kiểm tra còn là cơ sở, tiền đề để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Đây là chủ trương phù hợp, thực tiễn chứng minh là đúng, có kết quả tốt, phải nhân lên.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Kỷ luật Đảng là nghiêm minh, đồng bộ

Có thể nói, các quy định được ban hành mới đây về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã tiếp tục phát đi thông điệp mạnh mẽ không bao che cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm đến cùng về những vi phạm mà mình đã gây ra trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cả những vi phạm có liên quan từ các vị trí công tác trước đây, những vụ việc đã diễn ra từ nhiều năm trước, kiên quyết không để lọt vi phạm.

Năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982 đảng viên, có 4.307 cấp ủy viên các cấp (tăng 18,1% tổ chức đảng và 15,7% đảng viên so với năm 2020).

Qua kiểm tra, cơ quan kiểm tra kết luận có 1.575 tổ chức đảng và 6.695 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên; quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 63 đảng viên và 13 tổ chức đảng; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 20 đảng viên, yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và nhiều đảng viên.

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2022 về công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra hơn 24.700 tổ chức đảng và hơn 106.600 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.017 tổ chức đảng và 3.588 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với hơn 11.600 tổ chức đảng cấp dưới. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và kiểm tra tài chính Đảng đối với 16 tổ chức đảng.

Đối với công tác thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 142 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 6.519 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 Ủy viên Trung ương do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo 6 tổ chức Đảng; khiển trách 2 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức Đảng, 19 đảng viên, trong đó cách chức 5 đảng viên, khai trừ 14 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức Đảng và hơn 2.060 đảng viên.

Nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Chiến lược nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị yêu cầu "chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm".

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, không tách rời trong hệ thống chính trị để vận hành hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng, điều hành của hệ thống chính trị. Đó là quá trình phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Mỗi giai đoạn có một thực tiễn khác nhau nên yêu cầu về đổi mới là vấn đề diễn ra liên tục, thường xuyên để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

 

Nguồn: baotintuc.vn/ttxvn

VIDEO