Thông cáo báo chí kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính năm 2021

11/01/2022 14:11
  • Print
  • Lượt xem: 3801

Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương ra Thông cáo báo chí kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, Quyết định số 1006/QĐ-BNV ngày 26/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Phương án Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, Quyết định số 88/QĐ-BNV ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc điều chỉnh Phương án Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Đây là cuộc điều tra thống kê quốc gia trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính ở nước ta nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính; bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP, và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương; cập nhật cơ sở dữ liệu và dàn mẫu tổng thể về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm tiếp theo của ngành Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương và thu thập một số thông tin chuyên đề phục vụ tổng kết, đánh giá một số Đề án, Nghị quyết lớn.

Đây là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Tổng cục Thống kê, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động Điều tra gồm thu thập thông tin và xử lý dữ liệu đã giúp nâng cao hiệu quả của cuộc Điều tra. Dữ liệu điều tra được quản lý tập trung trên hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến tại Trung ương, được phân quyền tới các cấp ở địa phương phục vụ công tác xử lý và khai thác số liệu. Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Điều tra CSHC đã được triển khai tập trung,thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua các Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính các cấp ở địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Bộ Công an.

Mặc dù cuộc Điều tra đã bị tác động của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thích ứng của Ban Chỉ đạo các cấp, công tác thu thập thông tin và nghiệm thu kết quả điều tra đã hoàn thành trong tháng 12/2021; đạt yêu cầu để xử lý, tổng hợp số liệu công bố kết quả sơ bộ của cuộc Điều tra theo kế hoạch. Cụ thể, đã hoàn thành thu thập thông tin của 32.304 cơ sở hành chính đạt 99,99%. Công tác nghiệm thu, làm sạch, xử lý dữ liệu được thực hiện nghiêm túc; công tác bàn giao dữ liệu được thực hiện đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng và thành công của cuộc Điều tra. Tuy nhiên trong cuộc Điều tra CSHC vẫn còn có đơn vị không phối hợp cung cấp thông tin.

Kết quả chính thức Điều tra CSHC sẽ được công bố trong quý II năm 2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những phân tích chuyên sâu, chuyên đề thông qua nhiều hình thức (sách, đĩa CD, website, cơ sở dữ liệu vi mô, vĩ mô...) nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước và tất cả các đối tượng sử dụng thông tin khác.

II. KẾT QUẢ SƠ BỘ ĐIỀU TRA CƠ SỞ HÀNH CHÍNH NĂM 2021

Theo kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, số lượng các cơ sở hành chính năm 2020 giảm so với năm 2016.
Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có 32.304 cơ sở hành chính, giảm 7,25% so với năm 2016  - tương đương 2.520 cơ sở, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,86%/năm, trong đó, số cơ sở thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất là 25.271 cơ sở (chiếm tỷ lệ 78,2%), thứ hai là số cơ sở thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là 4.208 cơ sở (chiếm 13%), thứ ba là số cơ sở thuộc hệ thống tư pháp với 1.728 cơ sở (chiếm 5,3%), thứ tư là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam với 1.045 cơ sở (chiếm 3,2%) và số lượng cơ sở thuộc hệ thống lập pháp là 52 cơ sở chiếm tỷ lệ thấp nhất (chiếm 0,16%). Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí về cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Trên phạm vi cả nước, vùng kinh tế Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có số lượng cơ sở hành chính lớn nhất với 7.574 cơ sở, chiếm 23,4%, thứ hai là vùng trung du và miền núi phía bắc với 6.701 cơ sở, chiếm 20,7%; thứ ba là vùng đồng bằng sông Hồng với 6.473 cơ sở, chiếm 20%; thứ tư là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 5.689 cơ sở, chiếm 17,6%; vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là hai vùng có số lượng cơ sở thấp nhất tương ứng là 2.761 và 3.106 cơ sở, chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,5% và 9,6%.
Lao động trong các cơ sở hành chính tăng so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra.

Tổng số lao động trong các cơ sở hành chính tại thời điểm 31/12/2020 là 1.459 nghìn người, tăng 462 nghìn người so với năm 2016. Nguyên nhân tăng số lượng lao động nêu trên do:

- Tăng do mở rộng quy mô điều tra, phạm vi điều tra về lao động và đơn vị hành chínhđến cấp cơ sở, tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị (do thay đổi Phương án điều tra so với năm 2017);

- Tăng do bổ sung một số đơn vị tại Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nằm trong khối sự nghiệp, điều tra năm 2021 chuyển sang khối cơ sở hành chính thực hiện;

Loại trừ các yếu tố trên thì số lao động trong các cơ sở hành chính có giảm theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Số lượng lao động trong các cơ sở hành chính có sự khác biệt rõ nét.

Trong tổng số 1.459 nghìn lao động, số lượng lao động của cơ sở thuộc cơ quan hành pháp chiếm số lượng lớn nhất với 1.349,8 nghìn lao động, chiếm đến 92,5%; tiếp đến là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản với 39,95 nghìn lao động chiếm 2,7%; cơ sở thuộc cơ quan tư pháp là 35,9 nghìn lao động chiếm 2,5%; cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội là 31,2 nghìn lao động chiếm 2,1% và lao động thuộc cơ sở của cơ quan thuộc hệ thống lập pháp chiếm tỷ lệ lao động thấp nhất với gần 2,2 nghìn lao động, chiếm 0,2%.

Tuy số lượng cơ sở hành chính tại vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đứng vị trị thứ 3 trong 6 vùng kinh tế, nhưng số lượng lao động tại vùng đồng bằng sông Hồng lại chiếm vị trí lớn nhất trong 6 vùng kinh tế.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, số lượng lao động tại vùng đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước đạt 421,3 nghìn lao động, chiếm 28,9%, thứ hai là vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung đạt 297,7 nghìn lao động, chiếm 20,4%; thứ ba là vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 242,8 nghìn lao động, chiếm 16,6%; thứ tư là vùng Đông nam bộ đạt 201,8 nghìn lao động chiếm 13,8%; thứ năm là vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt là 191,5 nghìn lao động, chiếm 13,1% và xếp cuối cùng là vùng Tây nguyên đạt 103,9 nghìn lao động chiếm 7,1%.

BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA CƠ SỞ HÀNH CHÍNH TRUNG ƯƠNG