Nói chuyện ở diễn đàn "Nữ doanh nhân Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới", chiều 8/1, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại EU cho biết, ưu thế của phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng là có chỉ số cảm xúc (EQ) cao hơn nam giới.
"Trong thế giới biến động thì chỉ số cảm xúc quan trọng hơn chỉ số thông minh (IQ) gấp nhiều lần, giúp người phụ nữ có tố chất lãnh đạo tốt hơn nam giới", bà Ninh đánh giá.
Bà Ninh phân tích, chỉ số cảm xúc biểu hiện ra bên ngoài là sự biết lắng nghe, và đây là tố chất của người lãnh đạo tốt. Còn lãnh đạo mà chỉ biết nói, không biết nghe là lãnh đạo tồi. Chẳng hạn, khi bước vào một cuộc đàm phán, một người nào đó vừa vào đã luyên thuyên nói ngay sẽ là điều rất tệ. "Mình nên ngồi lắng nghe để đánh giá và phán đoán đối thủ rồi mới đưa ra lời đáp", bà chia sẻ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
Theo bà Ninh, một số nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ tham gia ở vị trí điều hành có khả năng ổn định và đưa doanh nghiệp vượt khó khăn rất tốt. Ngoài ra, lãnh đạo nữ rất giỏi về việc xây dựng sự đồng thuận do thường vận dụng được sự cương nhu hài hòa.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cơ điện lạnh - REE Nguyễn Thị Mai Thanh cũng chia sẻ, bà chọn một nghề rất nặng thuộc thế mạnh của đàn ông. Nhưng vị CEO cho rằng, nếu phụ nữ làm trong lĩnh vực này cộng với tính mềm mỏng vốn có thì sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn để giúp thành công.
Bản thân bà Thanh rất tâm đắc với đặc tính biết lắng nghe. Bà cho biết có thể ngồi nói chuyện với nhân viên của mình hàng tuần để thấu hiểu và trao đổi những vướng mắc trong công việc. Ngoài ra, qua những cuộc trò chuyện ấy, bà có thể tìm hiểu thêm về nguyện vọng thăng tiến cũng như cuộc sống gia đình của mỗi người.
"Nhờ vậy, tôi có thể tìm ra được những cách giải quyết tốt và xử lý triệt để những vướng mắc của nhân viên. Điều này có tác dụng truyền cảm hứng vô cùng hiệu quả, giúp nhân viên có thể phát huy hết năng lực và cống hiến hết mình cho công ty", bà nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, lãnh đạo Hiệp hội nữ doanh nhân, hiện nay ở Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành. Bà Hồng cho rằng đội ngũ doanh nhân nữ còn có những hạn chế, nhất là năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, sự am hiểu pháp luật và khả năng cạnh tranh, hội nhập.
"Vậy khả năng thích ứng của nữ doanh nhân sẽ thế nào để đảm bảo hoàn thành tốt hai vai trò cùng lúc trong cuộc sống bận rộn ngày nay: Làm việc nơi công sở và làm vợ làm mẹ", bà Hồng trăn trở.
Ông Bryan Fornari, Phó ban Hợp tác và Phát triển, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU không chỉ quy định bằng luật pháp mà còn có các cam kết để hỗ trợ phụ nữ làm việc và phát triển sự nghiệp. Ông nêu dẫn chứng cụ thể như sẽ có các kỳ nghỉ cho những ông bố khi các bà mẹ sinh con, hoặc có các hỗ trợ về cơ sở vật chất để phụ nữ yên tâm làm việc bình thường sau khi sinh.
Ở Việt Nam, khi đang hội nhập rất sâu thì khái niệm bình đẳng giới càng quan trọng. Hiện nay các nữ lãnh đạo đóng góp rất lớn vào năng lực cạnh tranh. "Điều này rất quan trọng, vì khi chúng ta đem lại nhiều quyền lợi cho phụ nữ thì xã hội sẽ có được nhiều nhân tài đóng góp cho các công ty, tổ chức và đất nước", ông nói.