Quảng Ngãi: Cần chú trọng công tác cán bộ nữ

21/12/2018 16:19
  • Print
  • Lượt xem: 8293

Những năm gần đây, công tác cán bộ nữ ở tỉnh ta có sự chuyển biến tích cực, số lượng cán bộ nữ và năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn còn thấp so với chỉ tiêu, quy định của Trung ương...

Chuyển biến cả lượng và chất...

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của trung ương và của tỉnh, nhất là thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Qua đó đã tạo chuyển biến rõ nét về hiệu quả công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức (CB, CCVC) là nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị.

 Cán bộ nữ tham gia cấp ủy tại nhiều địa phương vẫn còn thấp so với quy định của Đảng. Ảnh: TR.ÂN
Cán bộ nữ tham gia cấp ủy tại nhiều địa phương vẫn còn thấp so với quy định của Đảng. Ảnh: TR.ÂN

Đối với cấp tỉnh và cấp huyện, hiện toàn tỉnh có 783 CB, CC nữ (chiếm 37,3%); 12.806 viên chức nữ (60,1%). Cấp xã có 1.055 công chức nữ (27,5%). Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Trưởng Phòng Nội vụ TP.Quảng Ngãi Võ Thành Vĩnh cho biết: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là 9,3% (theo quy định phải đạt từ 20-25%). Nhiều đảng ủy xã, phường đã nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Thành ủy Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện công tác cán bộ nữ. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện bổ nhiệm mới 635 CB, CCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong đó có 288 nữ (45,3%). Có 288 CB, CCVC được cử đi đào tạo trình độ sau đại học, trong đó có 100 CB, CCVC là nữ (34,7%). Hằng năm, UBND tỉnh đều phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng CB, CCVC và CB, CC cấp xã, với hơn 12 nghìn lượt CB, CCVC tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 4,2 nghìn lượt nữ CB, CCVC.

Về số lượng nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý; số lượng nữ tham gia cấp ủy và trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị tăng đáng kể. Số lượng nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, đối với cấp tỉnh đạt 10,7%, cấp huyện 15%, cấp xã 20,8%. Số lượng nữ ĐBQH nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm 57%; đại biểu HĐND cấp tỉnh 23,6%, cấp huyện 20,6%, cấp xã 22%.

Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng nhận định: Tỷ lệ cán bộ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng và đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở đơn vị, địa phương...

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế      

Tỷ lệ CB, CCVC là nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhưng vẫn còn thấp so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hành động về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2020. Trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại; những định kiến về giới, sự phân công vai trò giới mang tính truyền thống ở một số nơi vẫn chưa được thay đổi, nên đã tác động tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

So với quy định của trung ương, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp ở tỉnh ta chưa đạt chỉ tiêu. Cụ thể số nữ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 10,7%, trong khi đó quy định tại Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị là không dưới 15%. Ở nhiều đảng bộ huyện, thành phố và đảng bộ các xã, phường, thị trấn cũng chưa đạt tỷ lệ cán bộ nữ theo quy định.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vẫn còn nhiều bất cập. Đa số CB, CCVC nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó. Tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp, còn có biểu hiện thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, đánh giá cán bộ nữ còn khắt khe...


Nguồn: http://baoquangngai.vn