Bức tranh nữ quyền nhìn từ bản đồ phụ nữ tham chính

02/01/2018 14:43
  • Print
  • Lượt xem: 2161

Ở khắp nơi trên thế giới, phong trào nữ quyền đang diễn ra mạnh mẽ, kể cả những khu vực nổi tiếng bảo thủ như Trung Đông hay nghèo đói như châu Phi. Phụ nữ đã và đang chứng minh rằng họ có thể điều hành tốt chính phủ, gánh vác trách nhiệm về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia.

Bắc Âu đứng đầu về chỉ số quyền lực của nữ giới

 

Nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống cơ quan lập pháp là bước tạo đà quan trọng cho những vị trí có vai trò quyết định hơn trong hệ thống cơ quan hành pháp. Quốc hội nào có nhiều phụ nữ tham gia thì nhiều chính sách, pháp luật được xây dựng để bảo vệ con người và môi trường hơn ở những Quốc hội có ít đại diện là nữ. Do đó, đảm bảo cho sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị là vấn đề cốt lõi gắn với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia.

 

Bản đồ tham chính của phụ nữ thế giới năm 2014 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Quỹ Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cho thấy, “phái yếu” đang tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống chính trị - xã hội của các nước. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42.1% khiến khu vực này luôn chiếm thứ hạng cao về chỉ số quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới. Các nước này luôn tích cực xây dựng và phát triển bộ máy quốc gia chuyên trách trong chính phủ về bình đẳng giới hoặc về sự tiến bộ của phụ nữ với các mô hình khá đa dạng như: Bộ Bình đẳng giới hoặc phụ trách về lĩnh vực bình đẳng giới (Phần Lan, Na Uy…), Thanh tra bình đẳng giới (Phần Lan,Thụy Điển…).

 

Đáng ngạc nhiên hơn là quốc gia nghèo ở châu Phi như Rwanda đã chịu bao đau thương từ nạn diệt chủng 20 năm trước, cũng góp mặt trong danh sách này với tỷ lệ nữ trong Quốc hội lên tới 63,8%. IPU gọi quốc hội Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất.

 

Tuy nhiên, trên toàn cầu chỉ có 29 quốc gia có tỷ lệ nữ trong Quốc hội trên 30%; 24 quốc gia nằm trong nhóm gần đạt đến tỷ lệ 30% (từ 25% đến 29%). Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội ở các khu vực khác còn thấp, cụ thể châu Á- Thái Bình Dương và Trung Đông vẫn là những khu vực có tỷ lệ nữ tham gia quốc hội thấp hơn các khu vực khác (châu Á 18,4%, Thái Bình Dương 16,2%, Trung Đông 16%). Với tốc độ này, rất nhiều quốc gia trên thế giới không thể đạt được mục tiêu 30% nữ giới trong nghị viện trước năm 2025 mà Cương lĩnh Bắc Kinh năm 1995 đã đặt ra. Do đó, từ năm 2015, các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông cần chú trọng hơn nữa vào các giải pháp chiến lược nâng cao tỷ lệ nữ tham gia chính trị.

 

Thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và thực hiện

 

Số lượng các quốc gia nơi phụ nữ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tăng với các khuôn mặt sáng giá như bà AngelaMerkel-Thủ tướng duy nhất của Đức trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Việc xuất hiện nữ Tổng thống ở các nước: Chile (bà MichelleBechelet), Brazil (Bà Dilma Rousseff), Argentina (bà Cristina Femandez deKirchner) khiến khu vực Mỹ Latinh đạt được nhiều tiến bộ về lĩnh vực phụ nữ tham chính. Tuy nhiên, trong danh sách xếp hạng về tỷ lệ nữ giới tham chính năm 2014, số lượng phụ nữ ở các cơ quan ra quyết định chưa nhiều. Hiện chỉ có 25 nữ nguyên thủ trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới, 36 nước có tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ bộ trưởng trong nội các Chính phủ trên 30%. Có 31 nước có tỷ lệ nữ Bộ trưởng dưới 10% và 8 quốc gia châu Á Thái Bình Dương không có nữ Bộ trưởng nào. Những con số này đã mô tả hết sức rõ nét một bức tranh bất bình đẳng sâu sắc đang diễn ra tại tất cả các khu vực và vùng lãnh thổ. Thế giới vẫn đang khan hiếm lãnh đạo nữ trong toàn bộ hệ thống quản trị Nhà nước từ cấp địa phương tới quốc gia.

 

Để giải quyết thực trạng trên, cần loại bỏ rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ trong vai trò quản lý và lãnh đạo dưới mọi hình thức có ý nghĩa sống còn để giải phóng tiềm năng của phụ nữ và đạt được các mục tiêu phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Đặc biệt, việc đưa ra những can thiệp thể chế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đại diện bình đẳng hợp pháp của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý là một nhiệm vụ cấp thiết đối với tất cả quốc gia trên toàn thế giới.

 

http://www.phunudanang.org.vn

http://www.phunudanang.org.vn