Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.
Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 1993, nhưng phải đến năm 2016,các nữ nghị sĩ APPF mới lần đầu tiên nhóm họp tại Canada trong khuôn khổ Hội nghị APPF-24 theo sáng kiến của Nghị viện Indonesia và lần thứ hai là tại Fiji năm 2017 trong khuôn khổ Hội nghị APPF-25. Trải qua hai kỳ họp, những mối quan tâm của phụ nữ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có một diễn đàn riêng để thảo luận. Và việc tổ chức Hội nghị Nữ nghị sĩ tại Diễn đàn APPF đã góp phần tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của các nữ nghị sĩ, cũng như tạo nên mạng lưới kết nối nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên.
Lần này, Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sĩ là “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”, với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ - một cơ chế chưa chính thức - trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF.
Việc thảo luận càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của Diễn đàn thường niên APPF lần thứ 26, đó là “Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển bền vững”, đồng thời phát huy kết quả của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” mới được tổ chức thành công tại Việt Nam năm 2017.
Tiếp nối thành công của các kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng Hội nghị sẽ đóng góp tích cực vào các Nghị quyết, Tuyên bố chung của Diễn đàn, bảo đảm các văn kiện được thông qua đều được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được sự quan tâm và tiếng nói của các nữ nghị sĩ. Đồng thời, bà mong rằng những vấn đề được bàn thảo tại đây sẽ tiếp tục được các nghị viện thành viên đề cập và lan tỏa tại các diễn đàn liên nghị viện khác, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. Cũng như Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực, song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị này, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ song khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức.
Cụ thể như, ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật. Khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội…
Với cương vị là một nữ đại biểu của Quốc hội Việt Nam, bà Trương Thị Mai nhận định, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hoà bình, thịnh vượng và bền vững. Do đó, để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả và phù hợp vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Các nữ nghị sĩ thực hiện vai trò đại diện, trước hết là quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về quản lý, bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia. Các nữ nghị sĩ tham gia vào các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và trên mọi lĩnh vực; tham gia quyết định ngân sách, bảo đảm ngân sách có nhạy cảm giới; giám sát thực hiện các luật có liên quan, các chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.
*Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên. Đó là Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái-lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên.
Quy mô của APPF tuy không lớn như IPU, nhưng thành viên của Diễn đàn có nhiều nước lớn, giữ vị trí vai trò và tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Diễn đàn APPF nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
NDĐT