Tham vọng giúp phụ nữ châu Phi tiếp cận vị trí lãnh đạo nhiều hơn

10/05/2019 09:04
  • Print
  • Lượt xem: 2536

Lelemba Chitembo Phiri (38 tuổi, người Zambia) đã vượt qua những rào cản, định kiến ở châu Phi để vươn lên. Cô thành lập công ty riêng Girl Effect nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn và tăng cơ hội tiếp cận vị trí lãnh đạo.

Trong kinh doanh, Lelemba (giữa) muốn thúc đẩy phụ nữ tham gia đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn

Thuở bé, Lelemba Chitembo Phiri từng ước được trở thành con trai để được tự do bay nhảy. Dù điều ước trẻ con ấy không thành nhưng cô may mắn có bố mẹ có tầm nhìn rộng mở. Họ nói với cô rằng cô có thể làm bất kỳ điều gì cô muốn miễn là cô phải nỗ lực làm việc chăm chỉ. Là con gái hay con trai cũng không là vấn đề gì.

Lelemba từng nghĩ rằng cô thích làm phi công hoặc nhà báo, thế nhưng khi lớn lên cô lại thấy mình có duyên với việc kinh doanh hơn. Năm cô 16 tuổi, mẹ cô qua đời, cô phải làm đủ thứ công việc như buôn bán quần áo, nữ trang để có tiền trang trải việc học. Dù trải nghiệm thực tế cuộc sống đã mang cho cô nhiều kinh nghiệm hữu ích, tuy nhiên, Lelemba không bao giờ quên tầm quan trọng của giáo dục.  Với cô, giáo dục không chỉ định hình suy nghĩ của cô, mà còn giúp cô có kiến thức để trở thành người đứng đầu đã đưa ra và thực hiện những kế hoạch có lợi cho nhiều người.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ về tài chính, Lelemba làm việc cho rất nhiều công ty nhưng cô luôn khao khát được làm một điều gì đó lớn lao hơn, đặc biệt là làm những việc truyền cảm hứng cho phụ nữ. Đó chính là lý do cô gia nhập công ty Zoona - công ty chuyên hỗ trợ vốn và tạo việc làm cho phụ nữ. Cô đã làm việc ở đây với vai trò là người xây dựng và phát triển thương hiệu cho Zoona. Một thời gian sau, cô bắt đầu rời khỏi vị trí cố vấn cho Zoona và thành lập công ty riêng Girl Effect như mình mong muốn. 

Nỗ lực của Lelemba không gì hơn ngoài việc thúc đẩy phụ nữ tham gia đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn. Thực tế đã chứng minh khi phụ nữ tham gia điều hành doanh nghiệp thì lợi nhuận công ty sẽ tăng lên. Tuy nhiên số phụ nữ tham gia các doanh nghiệp trên trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa nhiều. Ở các nước châu Phi tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung. Nguyên nhân là do những rào cản về văn hóa - xã hội. Cơ hội tiếp cận tài chính, công nghệ và giáo dục... dành cho nữ còn khó khăn nhiều hơn so với nam giới.

Qua nghiên cứu thực tế, Lelemba phát hiện ra rằng: Một số phụ nữ gặp trở ngại về tài chính, trong khi một số khác cần sự hỗ trợ nhiều hơn về cách thức hoàn thiện bản thân, kỹ năng lãnh đạo… Vì lẽ đó, công ty của cô bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho nữ doanh nhân và phụ nữ khởi nghiệp, còn trang bị cho họ kỹ năng kinh doanh và giúp họ tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn.
Lelemba và gia đình

Lelemba nói rằng: “Tôi muốn làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận với vị trí lãnh đạo nhiều hơn. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng tôi thực sự rất hào hứng và lạc quan về tương lai của châu Phi. Dù còn nhiều khó khăn nhưng châu Phi sẽ là trỗi dậy mạnh mẽ. Phụ nữ sẽ có một vai trò quan trọng trong nền tương lai kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó các cá nhân, tổ chức và chính phủ phải hợp tác với nhau một cách nghiêm túc hơn để thúc đẩy bình đẳng giới”.

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn