Đại biểu tham quan, mua sắm sản phẩm của các HTX, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ
Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Vai trò của Hội Phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể” đánh giá những kết quả đã đạt được trong xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tổ/nhóm liên kết - những mô hình kinh tế tập thể (KTTT) do phụ nữ làm chủ trên địa bàn TP, nhận diện những tồn tại, hạn chế, kiến nghị hướng khắc phục.
Bước ngoặt lớn thay đổi cách nghĩ cách làmNhững năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức dạy nghề, truyền nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vật nuôi, cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển mô hình HTX trong thời kỳ mới. Ngoài ra, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, thăm quan, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại các HTX, các mô hình kinh tế đông hội viên phụ nữ tham gia; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 7 HTX, 4 tổ hợp tác và 13 tổ, nhóm liên kết, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Tháng 8/2018, Hội LHPN huyện Quốc Oai đã chỉ đạo 3 xã: Phú Cát, Đông Xuân và Nghĩa Hương thành lập HTX Nông sản phụ nữ Phú Xuân Hương, thu hút 50 hộ gia đình tự nguyện tham gia. Ngành nghề chính của HTX là sản xuất, chế biến nông sản an toàn dựa trên thế mạnh của từng xã như Nghĩa Hương cung cấp rau an toàn trồng trong nhà lưới còn Đông Xuân và Phú Cát có địa hình rộng, thuận lợi phát triển chăn nuôi, giết mổ theo quy trình đảm bảo ATTP.
Được Hội LHPN huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đến nay các sản phẩm nông nghiệp, nhất là thịt gia súc gia cầm của HTX được bao gói, hút chân không, dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nên đã tạo niềm tin, chữ tín cho người tiêu dùng. Chị Lâm Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Cát cho biết: Từ ngày tham gia HTX, quy trình sản xuất của nhà nông thay đổi, nghiêm ngặt, mất nhiều thời gian canh tác, đầu tư công sức hơn nhằm đảm bảo ATTP cho nông sản. Song bù lại, các thành viên yên tâm vì đầu ra được bao tiêu với giá ổn định, không lo bị ế và ép giá như trước đây. Hiện nay, nông sản của HTX được cung cấp theo hợp đồng tới các trường học, cơ quan trên địa bàn huyện và người dân tại một số chung cư lớn ở nội thành thông qua việc đặt hàng trực tuyến.
Tại xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, đã có 1 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giầy dép da và HTX sản xuất, kinh doanh giống gia cầm Tú Phương được thành lập. Trước khi vào HTX, tổ hợp tác, các xã viên đều hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ. Các thành viên HTX đều thừa nhận tham gia tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa là bước ngoặt lớn để chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm. Hội Phụ nữ xã đồng hành cùng chị em trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Có thành viên đã ký được hợp đồng có giá trị lên tới nhiều tỷ đồng.
Nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả
Tại Hội nghị, đại diện Ban quản lý HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ đã phát biểu ý kiến, khẳng định: Việc thành lập, phát triển các mô hình KTTT do phụ nữ làm chủ đã phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; góp phần nâng cao đời sống của cán bộ hội viên, nhân dân; xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu dự hội nghị thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như số lượng HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ còn khiêm tốn; trong quá trình hoạt động, các HTX, tổ hợp tác còn gặp khó khăn trong: tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu kinh nghiệm kinh doanh, quản lý tài chính; tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã viên về mô hình HTX kiểu mới để tự nguyện tham gia, tăng tính liên kết trong sản xuất…
Chị Nguyễn Thị Mùi - sáng lập viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết: “Nhiều HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoạt động, kinh doanh nông sản an toàn cần nguồn vốn đầu tư lớn trong khi giá trị sản phẩm thấp. Để hoạt động của HTX thành công và hiệu quả, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN TP, các sở, ngành trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về hạ tầng, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất nông sản, đào tạo cán bộ quản lý. Chính quyền xã coi trọng phát triển KTTT, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông nội đồng thuận lợi…”.
Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX TP Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật đã lắng nghe và giải đáp thỏa đáng những thắc mắc, kiến nghị của các HTX, tổ hợp tác và cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn để không ngừng xây dựng HTX, tổ hợp tác phát triển.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - đại diện Thường trực Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức cán bộ hội viên về mô hình KTTT; rà soát, nắm nhu cầu của cán bộ hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ chị em có nhu cầu thành lập HTX, tổ hợp tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý; giới thiệu các nguồn vốn và kết nối để hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Với các HTX, tổ hợp tác đã thành lập cần duy trì thương hiệu, giữ chữ tín bằng chất lượng, số lượng sản phẩm, chủ động kết nối, chấp hành các quy định để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ.
Nguồn: baophunuthudo