PGS.TS Trần Vân Khánh: Nhà khoa học nữ đau đáu với sự nghiệp “cứu người”

15/05/2018 14:47
  • Print
  • Lượt xem: 3876

Giúp cho các gia đình sinh được những đứa con khỏe mạnh, nhìn nụ cười rạng rỡ của họ trên môi, nhìn các em bé lớn lên từng ngày… đó là niềm hạnh phúc luôn đi cùng với PGS. TS. Trần Vân Khánh (Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein - Trường Đại học Y Hà Nội - 1 trong 2 cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2017) trong suốt cuộc đời làm công tác nghiên cứu Khoa học. 

Hơn 30 năm giải thưởng Kovalevskaia được trao ở Việt Nam, sau 2 cá nhân sinh năm 1970 được nhận Giải thưởng năm 2011, PGS. TS. Trần Vân Khánh, sinh năm 1973 là một trong những nhà khoa học nữ trẻ nhất được nhận giải thưởng này.

Gặp chị trong những ngày đầu xuân năm mới, nụ cười tươi và gương mặt hiền hậu của chị khiến tôi cảm thấy rất gần gũi và ấm lòng. Chị Khánh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y, chị công tác tại Viện Công nghệ Sinh học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Được sự quan tâm dìu dắt của Viện trưởng, chị bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học và được đi làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Gần 6 năm nghiên cứu về bệnh lý phân tử, đặc biệt là bệnh lý di truyền trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Nhật bản, môi trường hiện đại đã giúp chị có cơ hội tiếp cận rất nhiều hướng nghiên cứu tiến bộ của thế giới để hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh của mình. Sau khi trở về Việt Nam, với mong muốn được truyền đạt các kiến thức đã học được cho thế hệ trẻ Việt Nam, chị về trường Đại học Y Hà Nội giảng dạy và tiếp tục sư nghiệp nghiên cứu của mình.

Chị đã cùng đồng nghiệp lựa chọn nghiên cứu về lĩnh vực Y sinh học phân tử, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đây là hướng nghiên cứu bắt đầu được phát triển ở nước ta trong 5-10 năm trở lại đây. Xu hướng điều trị bệnh hiện nay là điều trị theo cá thể, tức là hiểu rõ tình trạng gen của mỗi bệnh nhân để có hướng can thiệp chính xác và hiệu quả.

Những nghiên cứu và ứng dụng của PGS.TS Trần Vân Khánh gồm: Xác định đột biến và thiết lập bản đồ đột biến gen ở bệnh nhân Việt Nam; Chẩn đoán người lành mang gen bệnh; Chẩn đoán trước sinh và tư vấn di truyền; Bước đầu nghiên cứu giải pháp can thiệp đối với một số bệnh lý bằng liệu pháp điều trị gen đã giúp cho các bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị sớm cho bệnh nhân, thực hiện tư vấn di truyền cho các bà mẹ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh để họ có các biện pháp cụ thể tránh sinh ra những đứa trẻ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu về liệu pháp điều trị gen ở mức độ tế bào là tiền đề quan trọng để tiến tới ứng dụng liệu pháp điều trị gen trên bệnh nhân.

Chị Khánh chia sẻ: “Căn bệnh bệnh lý di truyền có thể hiểu đơn giản là khi bố hoặc mẹ mang gen bệnh sẽ truyền gen lại cho thế hệ sau. Một gia đình nếu sinh ra con bị bệnh sẽ là nỗi bất hạnh rất lớn đồng thời ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống thể chất, tinh thần của các em. Tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗi buồn đau của các gia đình khi có con em sinh ra bị bệnh. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu rất sâu về cơ chế của các bệnh lý này, nghiên cứu phát hiện chẩn đoán và phát hiện ra các thành viên có nguy cơ trong gia đình có thể sinh ra những đứa con bị bệnh để tư vấn cho họ. Bên cạnh đó, tôi cũng tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu về các nhóm bệnh lý khác như bệnh xương thủy tinh, bệnh về máu không đông, nhóm bệnh về mắt….”

Hơn 20 năm công tác, đau đáu với nỗi niềm mong cứu giúp được nhiều hơn nữa người bệnh, nhà khoa học trẻ đã đạt những thành tích xuất sắc: chủ trì 09 Đề tài NCKH các cấp; Hiện đang chủ trì 01 đề tài cấp sở KHCN Hà Nội; 01 đề tài nhánh cấp nhà nước. Tham gia 20 đề tài Đề tài NCKH các cấp ; 170 Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế và các tạp chí khoa học có uy tín trong nước; Đào tạo 9 Tiến sỹ, 6 NCS, 10 Thạc sỹ và trên 20 Khóa luận tốt nghiệp.

PGS.TS Trần Vân Khánh đã nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng danh giá: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Y tế; Bằng khen của Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội; Giải khuyến khích và giải Nhì, Giải thưởng Đặng Văn Ngữdành cho tác giả có công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế của Trường Đại học Y Hà Nội. Đặc biệt, chị được vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia, một Giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đóng góp quan trọng vào sưu nghiệp phát triển khoa học của đất nước.

 

Nguyễn Huyền – Ban Tuyên giáo

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn/

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn/