Nữ trí thức trẻ mang “làn gió mới” đến với phong trào phụ nữ vùng nông thôn
Tốt nghiệp đại học chính quy ngành Việt Nam học, chị Bùi Thị Ánh Tuyết có một sự lựa chọn không giống ai và chị cũng không ngờ sự lựa chọn đó lại gắn bó với mình như một “cơ duyên” định sẵn - làm chi hội trưởng phụ nữ thôn Long Sơn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Làm chi hội trưởng phụ nữ với tấm bằng tốt nghiệp Đại học hệ chính quy như chị quả là “hiếm”. Chị Tuyết cho biết, thật ra lúc đầu, chị nghĩ sau khi tốt nghiệp về quê phụ việc gia đình với bố mẹ kết hợp nghỉ ngơi một thời gian, sau đó tính đến chuyện xin việc làm. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, chị tham gia tất cả các hoạt động đoàn thể của địa phương. Chị nhận nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn thôn năm 2010. Năm 2015, chị được tín nhiệm bầu chức danh Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Tam Đại kiêm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Long Sơn và chị đã gắn bó với các công việc đó đến bây giờ. Trong quá trình công tác, với vốn kiến thức được đào tạo, tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, chị Tuyết đã có cách làm hay và thành công với việc dùng mạng xã hội kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, những người con quê hương làm ăn xa có điều kiện... cùng tham gia hỗ trợ giúp đỡ các gia đình, hộ nghèo, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn xã. Kết quả, đã có hàng chục ngôi nhà của hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa kiên cố khang trang; nhiều phụ nữ nghèo được giới thiệu vay vốn, nhận phương tiện sinh kế để sản xuất, kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Thủy, tổ 2, thôn Long Sơn, xã Tam Đại không may bị bệnh hiểm nghèo trong lúc hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chi phí điều trị bệnh tốn kém, các con của chị Thuỷ có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Nhờ chị Tuyết kịp thời chia sẻ thông tin tại Chương trình kết nối những mảnh đời trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Namđã vận động đã ủng hộ trên 40 triệu đồng để chị Thủy có thêm điều kiện vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh. Hay trường hợp học sinh Phạm Thị Thảo Uyên hoàn cảnh khó khăn được chị đề xuất nhận học bổng 500.000 đồng/tháng từ nguồn hỗ trợ, đóng góp của các “mạnh thường quân” thông qua thông tin chia sẻ, kết nối của chị Tuyết trên trang mạng xã hội.
Ngoài ra, trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, chị cũng là người tiên phong trong công tác tuyên truyền vận động HVPN đóng góp ngày công, hiến đất, làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các thiết chế văn hóa, góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Chị Tuyết chia sẻ về kinh nghiệm khi làm công tác Hội là phải nhiệt tình, muốn gặp được chị em thì phải tranh thủ đi vào buổi trưa hoặc sáng sớm, chiều tối; mình có gần gũi, thân thiện, hoà đồng thì chị em họ mới tin, mới mở lòng với mình được, lúc đó mình sẽ dễ dàng nắm được tâm tư nguyện vọng của chị em để động viên, vận động đúng lúc, đúng nơi đồng thời phản ảnh trung thực ý kiến của họ đến với
Chi hội trưởng phụ nữ làm công tác hòa giải giỏi
Là thành viên tổ hòa giải ở địa phương, chị Lê Thị Mười (sinh năm 1977) ở thôn Tứ Trung II, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết xích mích, mâu thuẫn láng giềng, vợ chồng....
|
Chị Lê Thị Mười (áo vàng) đến tận nhà gặp gỡ, động viên, hòa giải cho các cặp vợ chồng |
Năm 1999, chị làm y tế thôn bản kiêm chi hội trưởng phụ nữ và từ đó mỗi khi trong thôn xảy ra vụ việc tranh chấp nào là chị lại cùng với thành viên tổ hòa giải tham gia giải quyết.Kể lại câu chuyện xảy ra năm 2016, chị rành rọt: “Chuyện là hai anh em ruột được cha mẹ chia cho mỗi người ít đất gần bờ sông để trồng trọt. Chỉ vì một ít hoa màu lấn sang đất của nhau cộng với vài mâu thuẫn sẵn có trước đó khiến anh em ruột thì đánh nhau, chị em dâu cũng xô xát. Sau khi sự việc xảy ra, người anh viết đơn kiện, đòi gia đình người em bồi thường thiệt hại cho gia đình mình”. Chị Mười và các thành viên tổ hòa giải sắp xếp kịp thời đến nhà từng người, phân tích cái sai cái đúng của mỗi người. Bằng sự kiên trì và cách hoà giải thuyết phục chị đã thành công trong “vụ” này. Cười thật tươi, chị khoe: “Cuối cùng hai anh em họ đã hiểu và đã sống với nhau hòa thuận, nhất là hai chị em dâu cũng không còn điều tiếng với nhau nữa, đến ngày giỗ tết họ cùng nhau tính toán, lo lắng chuyện thờ cúng ông bà tổ tiên”.
Câu chuyện của vợ chồng anh H, anh hơn vợ mình 13 tuổi, có với nhau hai mặt con. Anh H là người hay gây bạo lực với vợ vì thế cuộc sống gia đình anh có nhiều sứt mẻ. Đỉnh điểm của một lần bị chồng đánh, quá bức xúc chị đã làm đơn tố cáo hành vi của chồng. Nhận được đơn của người vợ, sau nhiều lần tiếp cận rất khó khăn, chị Mười mới nghe được những tâm sự thầm kín trong câu chuyện của vợ chồng họ. Chị Mười cho biết: “Vì chuyện tế nhị nên ai cũng giấu, nhưng cái quan trọng nhất để hòa giải thành là mình phải am hiểu tường tận câu chuyện. Có như vậy mới phân tích cho cả hai bên thấy rõ mình sai ở chỗ nào, để họ hiểu và giải hòa với nhau. Là phụ nữ, mình có thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tâm lý, chia sẻ những điều khó nói. Vì vậy, khi tham gia hòa giải những vụ mâu thuẫn vợ chồng, tôi thường dành nhiều thời gian tâm sự cùng với chị em để tìm ra nguyên nhân, giúp vợ chồng bỏ qua bất hòa, nối lại tình cảm”. Với cách làm như vậy chị đã giúp vợ chồng anh H hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.
Chị Mười cũng là người phụ nữ kín đáo, khéo léo trong giao tiếp nên dễ gần gũi hoà đồng, tạo được niềm tin nên có những chuyện riêng tư chị em thường gặp chị Mười để chia sẻ. Đôi khi là những câu chuyện vợ chồng thầm kín, bạo lực gia đình... mà nhìn vẻ bề ngoài khó ai thấy được.
Anh Lê Văn Sanh – Trưởng thôn Tứ Trung II, xã Quế Lâm chia sẻ: “Chị Mười là điển hình tiêu biểu về tham gia công tác hòa giải ở cơ sở,riêng năm 2016, cùng với tổ hòa giải của thôn chị đã tham gia hòa giải thành 10 vụ việc. Thành quả của chị đã khích lệ tinh thần rất lớn để các thành viên trong tổ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ hòa giải tại địa phương, góp phần giữ gìn bình yên trong thôn xóm”.
Thanh Hóa, Bích Hiệp (Nông Sơn)