Hiểu đúng về bình đẳng giới

19/10/2017 11:01
  • Print
  • Lượt xem: 2429

Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan hữu quan ngày càng quan tâm. Theo thống kê của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, qua hai nhiệm kỳ, QH đã xem xét thông qua trên 60 luật, pháp lệnh có quy định được lồng ghép bình đẳng giới. Trong đó, tiêu biểu là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình… Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 cũng đã có nhiều quy định được lồng ghép về giới.

Dù các cơ quan soạn thảo đã chuyển từ “đi tay không” khi đến họp với cơ quan thẩm tra, vì không thấy có nội dung nào liên quan đến giới, sang chủ động thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào nội dung dự án luật, pháp lệnh, song, nhiều đại biểu dự Hội thảo “Ủy ban Về các vấn đề xã hội với việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới” sáng qua vẫn chưa hài lòng. Bởi nhiều dự án luật còn lồng ghép bình đẳng giới “thô”, khi chỉ quy định chung chung, không giải mã được bình đẳng giới trong lĩnh vực luật điều chỉnh, cũng như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện. Đa số các ban soạn thảo chưa thực hiện nghiêm túc quy định bảo đảm sự tham gia của đại diện Hội liên hiệp phụ nữ và cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Quá trình lấy ý kiến chủ yếu chỉ được thực hiện trong giai đoạn cuối, nên việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức về bình đẳng giới còn ít.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ rõ, khái niệm “bình đẳng giới” là thành tựu quan trọng của sự nghiệp đấu tranh vì bình đẳng giới toàn cầu, đạt được tại Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ (tổ chức năm 1995). Trong khi đó, việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật là giải pháp góp phần mang lại sự công nhận địa vị bình đẳng thực sự với phụ nữ và nam giới, đưa các giới được hưởng bình đẳng các quyền con người; cải thiện sự bình đẳng về chất lượng cuộc sống cho nữ giới và nam giới… Do đó, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đầu tư thêm để thực hiện bài bản việc lồng ghép bình đẳng giới vào nội dung dự án luật, pháp lệnh. Và mỗi thành viên ở Ủy ban cần nghiêm khắc hơn khi tiến hành thẩm tra, để thực hiện tốt trọng trách là cơ quan “gác cổng” cho QH về bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới.  

Lồng ghép giới vào dự án luật, pháp lệnh là nhiệm vụ không dễ thực hiện, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có kiến thức chuyên sâu. Vì thế, các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới cần hiểu đúng khái niệm này, cũng như nắm chắc những khái niệm cơ bản về giới. Tránh chỉ nghĩ đơn giản văn bản không có các quy định phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tức là nội dung văn bản đã bảo đảm bình đẳng giới, không cần thiết phải lồng ghép nữa. Hay chỉ cần trong văn bản có cụm từ bình đẳng giới là đã thực hiện lồng ghép giới; bình đẳng giới là phải có sự ưu tiên, có chính sách ưu đãi riêng biệt với phụ nữ.

Cách hiểu đúng, theo Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân, bình đẳng giới là đưa ra những quy định tạo thế ngang bằng cho nữ giới và nam giới, trên cơ sở tính toán đến sự khác biệt trên những điểm tương đồng và những điểm hoàn toàn khác biệt giữa hai giới. Hiểu đúng khái niệm này, ĐBQH mới có thể đánh giá chính xác trong quá trình thẩm tra, cũng như thuyết phục các đại biểu khác khi kiến nghị đưa lồng ghép bình đẳng giới vào dự án luật, pháp lệnh, hay dự thảo nghị quyết của QH.