BỘ NỘI VỤ

CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ

Từ viết tắt
A- A+
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail

Hãy thực hiện bình đẳng giới từ chính mỗi gia đình…

19/10/2017 11:44
  • Print
  • Lượt xem: 6757

Những ngày này, không khí rộn ràng náo nức của ngày kỷ niệm quốc tế phụ nữ 8-3 ngập tràn khắp nơi. Nhiều sự kiện, nhiều hoạt động cho ngày này cũng được tổ chức một cách trọng thị. Thế nhưng, phụ nữ rất cần sự tự nguyện của nam giới trong cuộc sống hằng ngày, hằng giờ với sự sẻ chia để chị em phụ nữ được sống đúng với tinh thần của người phụ nữ...

Truyền thông điệp gia đình là sẻ chia, là yêu thương và trân trọng  (Ảnh: guu.vn)

Hãy dành những điều tốt đẹp cho người phụ nữ

Cùng với những hoạt động tôn vinh, điều cơ bản là chúng ta phải thúc đẩy bình đẳng trong các gia đình, khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, phân chia công việc gia đình giữa những người bạn đời, đồng thời cùng phấn đấu cho công việc hoặc sự nghiệp riêng và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Có thể thấy, con đường tới một xã hội bình đẳng bắt đầu từ chính trong các gia đình, cho dù hình thái gia đình có thể khác nhau. Chúng ta có thể có các gia đình truyền thống hoặc phi truyền thống, nhưng mỗi người đều có thể có những hành động tích cực để đóng góp cho một xã hội trong đó những bà mẹ, những ông bố, và quan trọng nhất là tất cả trẻ em, đều sẽ được hưởng lợi.

Bởi thế, hơn lúc nào hết, việc chăm lo, quan tâm tới phụ nữ, dành cho họ những điều tốt đẹp, để họ sống và phát huy đúng tinh thần, năng lực của họ, cũng như có sự nguyện ý của nam giới khi cùng nhau chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, đảm bảo sự cân bằng trong cuộc sống là hết sức cần thiết.

Cần sự chia sẻ để giảm gánh nặng của phụ nữ trong gia đình

Nhân dịp kỷ niệm quốc tế phụ nữ - dấu mốc ghi nhớ cho công cuộc bình đẳng giới suốt thời gian qua, nhiều mỹ từ lại được xưng tụng cho phụ nữ khiến cho chị em đột nhiên lại có cảm giác thêm áp lực. Nhiều câu hỏi đã lần lượt được đặt ra, nào là “Người phụ nữ vừa chói sáng ngoài xã hội vừa ấm áp ở gia đình trong thời buổi này liệu có dễ dàng không? Phải làm cách nào?” rồi là “Còn người đàn ông, do đặc điểm "tâm sinh lý' nên chỉ cần "một giỏi" là có thể được chấp nhận dễ dàng. Liệu có công bằng?” Hay “Tại sao bắt phụ nữ phải có bổn phận và trách nhiệm trong khi đó đàn ông có thể cháy hết mình với công việc quên cả đường đi lối về?”...

Hầu hết phụ nữ đều có một cảm nhận chung rằng nhiều công việc không tên trong gia đình đã chiếm gần hết thời gian và sức lực của mình sau giờ tan sở. Bây giờ có không ít người phụ nữ thành đạt, kiếm tiền không thua gì nam giới nhưng công việc cơ quan đã kéo họ vào guồng máy thăng tiến mà không dễ dứt ra nên thời gian dành cho gia đình cũng ít đi. Sau giờ tan sở, phụ nữ cũng muốn nghỉ ngơi nhưng về đến nhà lại "bù đầu, bù cổ" với công việc nhà nên chị em sinh ra bực bội và cáu gắt với người thân của mình.

Và rồi câu hỏi “Vì sao câu "giỏi việc nước, đảm việc nhà" chỉ áp dụng cho phụ nữ?” lại được nêu ra. Thiết nghĩ, việc nhà đâu chỉ của riêng nữ giới. Thử hỏi, hai người cùng nhau đi làm ngoài xã hội, vậy cớ gì về nhà, chỉ có một người làm, còn người kia xem đó không thuộc trách nhiệm của mình. Chỉ càng phức tạp lên nếu cứ phân biệt rạch ròi đâu là việc của nữ giới, đâu là của nam giới. Sẽ đơn giản hơn nhiều nếu cùng thống nhất là chẳng có việc nào là của nam giới và việc nào là của nữ giới, cái cần tác hợp ở đây chính là sự chia sẻ, sự đồng cam cộng khổ.

Rõ ràng, xã hội hiện đại, cả hai vợ chồng cùng việc văn phòng, sức lực bỏ ra là ngang nhau, tiền bạc cũng ngang ngửa thì về nhà, việc nhà sao cứ phải là phụ nữ phải làm? Do đó, tư tưởng có thoáng, có thoải mái và hiểu cho nhau thì nhà cửa mới vui vẻ, hạnh phúc. Còn tư tưởng nặng nề thì nam trách nữ bỏ bê gia đình, không tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Còn nữ thì trách nam sao cổ hủ, hẹp hòi. Sống với nhau mà nặng nhẹ nhau thế thì sống sao lâu bền được. Có hiểu nhau, cùng nhau gánh vác việc nhà thì vợ chồng mới gắn bó.

Để thông điệp của yêu thương được lan tỏa

Mỗi người có cách sống cách nghĩ riêng. Cuộc sống này là bất kỳ ai dù nam hay nữ đều có quyền sống theo lý tưởng hợp pháp của mình. Mặc dù cuộc đấu tranh bình đẳng giới vẫn đang diễn ra không ngừng trong suốt nhiều thế kỉ qua, có hai thực trạng vẫn còn tiếp diễn: Đàn ông tiếp tục “chiếm lĩnh” những công việc truyền thống ngoài xã hội, còn công việc “tại gia” vẫn là “lãnh địa” của phái yếu. Khảo sát của Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ rõ, công việc chăm sóc nhà cửa con cái thường không được trả lương, nhưng nếu cộng gộp với thời gian làm việc ăn lương, chính phụ nữ mới là những người đang làm việc nhiều giờ nhất mỗi ngày. Đó là kết quả thu được tại 22 trên tổng số 28 quốc gia được tiến hành khảo sát.

Không phủ nhận trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của phụ nữ.

Gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày được nâng cao. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trong gia đình, thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới, các kết quả thống kê cho thấy, thời gian làm việc của phụ nữ là 13 giờ, trong khi nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu là do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Do đó, phụ nữ ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội; thời gian làm việc khá dài trong ngày cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ.

Vì vậy, thay vì đi tìm lý tưởng cho bình đẳng giới ở tận đâu xa xôi, chúng ta hãy tìm kiếm sự bình đẳng giới từ chính gia đình, xem đây là nhân tố quan trọng tiến đến sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc. Giáo dục bình đẳng giới trong gia đình bắt đầu từ trẻ thơ sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt bình đẳng giới hiện nay./.

Lê Nguyễn

Nguồn: http://dangcongsan.vn/

Nguồn: http://dangcongsan.vn/