Đòi bình đẳng, phụ nữ được… cực gấp đôi

22/12/2017 10:02
  • Print
  • Lượt xem: 1394

Nhiều người đàn ông Việt Nam nói: “Chúng tôi có định kiến gì với vợ của mình đâu!”. Nhưng vấn đề là họ muốn vợ của họ vừa là người xuất sắc ở cơ quan, vừa là người mẹ đảm đang trong gia đình.

Trong tình hình hiện nay, do yêu cầu công việc, nhiều phụ nữ phải đầu tư nhiều thời gian mới nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng họ vẫn không được chia sẻ mà phải gồng mình lên để làm “phụ nữ hai giỏi”: Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Như vậy, họ gánh gấp đôi trách nhiệm, cực nhọc gấp đôi.

Xét tương quan thời gian lao động trong một ngày giữa phụ nữ và nam giới cho thấy hiện nay phụ nữ vẫn đang đóng vai trò “phái mạnh” vì họ làm việc nhiều hơn và lâu hơn mỗi ngày. Do vậy, phụ nữ ít có thời gian để học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tham gia hoạt động xã hội so với nam giới. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ giỏi giang, được học hành tử tế nhưng đã nhường bước phấn đấu cho chồng, chọn lui về chăm sóc gia đình. Họ đành chọn tụt hậu, phấn đấu có chừng mực, chỉ ở mức độ hoàn thành công việc. Đó cũng là nguyên nhân tụt hậu của giới nữ trong giáo dục, nghiên cứu và cả trong lãnh đạo, quản lý. Không phải ai cũng đủ sức khỏe và sức bền để chịu cực gấp đôi trong một thời gian dài.

Đòi bình đẳng, phụ nữ được… cực gấp đôi - ảnh 1
Nhiều phụ nữ chia sẻ sôi nổi tại hội thảo khoa học về bình đẳng giới.

Tôi biết tại không ít cơ quan, đơn vị, nhiều phụ nữ giỏi giang được đề bạt nhưng lại bị… gạt đi. Do nhiều người, cả nam giới và nữ giới, vẫn cho rằng đàn ông mới nên làm lãnh đạo, phụ nữ chỉ nên làm… vừa vừa để còn có thời gian dành cho gia đình. Nhiều doanh nghiệp cũng hạn chế nhận phụ nữ vào làm việc vì ngại chế độ thai sản, sắp xếp giờ cho các bà mẹ cho con bú. Họ vẫn mặc định rằng phụ nữ chỉ nên dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình.

Đáng nói là trong khi truyền thông và xã hội không ngừng vận động cho bình đẳng giới thì hiện nay nhiều người lại có tư tưởng đưa phụ nữ quay về với “truyền thống gia đình”, cho rằng tổ chức gia đình kiểu truyền thống là phù hợp và tốt đẹp. Ngay cả trên báo chí, truyền thông, phụ nữ vẫn hay bị gán cho thiên chức chăm sóc gia đình, xem đó là việc riêng của phụ nữ. Phụ nữ vẫn hay bị đổ lỗi nếu gia đình có trục trặc, bất hòa.

Đúng như Bác Hồ đã từng nói: “Trọng trai, khinh gái là thói quen mấy ngàn năm để lại, nó ăn sâu trong nếp nghĩ, việc làm của người dân. Giải phóng phụ nữ đó là cuộc cách mạng to và khó”.


Bà 
NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 10, TP.HCM, chia sẻ ý kiến tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy truyền thông bình đẳng giới” do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức

Nguồn: http://plo.vn

Nguồn: http://plo.vn