Hoàn thiện chính sách đảm bảo bình đẳng giới và quyền lợi chính đáng cho lao động nữ

03/08/2018 10:30
  • Print
  • Lượt xem: 2192

Ngày 2/8, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia các vấn đề bình đẳng giới và liên quan đến quyền lợi của lao động nữ nhằm phản biện xã hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019.

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (trái) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết một trong những hoạt động trọng tâm phản biện xã hội của Hội thời gian tới là các vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là các điều luật liên quan tới lao động nữ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, Hội LHPN Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức các diễn đàn, huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nghiên cứu và phản biện xã hội Dự thảo luật này, cũng như sẽ tiến hành các hoạt động để lấy ý kiến của lao động nữ nhằm hoàn thiện các chính sách cho lao động nữ đảm bảo tính khả thi, khách quan.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề liên quan tới lao động nữ. Cụ thể như: Tuổi nghỉ hưu; bổ sung chính sách thai sản và chăm sóc con cho cả lao động nam và nữ; quy định về sử dụng lao động nữ trong một số trường hợp đặc biệt; vấn đề về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động; quy định về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ; quy định về làm thêm giờ; khái niệm về quấy rối tình dục; chính sách dành riêng cho lao động nữ đặc thù, yếu thế; chính sách cho lao động nữ làm việc khu vực phi chính thức...

Có ý kiến đại biểu cho rằng, so với quy định của Hiến pháp, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động chỉ bó hẹp với người làm công, hưởng lương theo hợp đồng trong các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 1/3 tổng lực lượng lao động trong cả nước. Vậy là còn tới 2/3 tổng số lao động còn lại, trong đó có lao động nữ, chưa được luật này điều chỉnh. Trong đó, số lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn. Bộ luật Lao động là luật gốc nên cần bao trùm được toàn bộ đối tượng người lao động làm việc ở khu vực chính thức và cả khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm cần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; đồng thời tăng sự linh hoạt cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn.

Ảnh minh họa

Các đại biểu, chuyên gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần bổ sung một số quy định nhận diện rõ hơn về cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, quấy rối tình dục tại nơi làm việc để phòng ngừa và xử lý vi phạm. Tăng cường an sinh xã hội cho người lao động khu vực phi chính thức, mở rộng các chế độ trong bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao đông phi chính thức tham gia và được hưởng bình đẳng quyền lợi về chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động như bảo hiểm xã hội bắt buộc….

 

PNVN