Đam mê, khát khao, sáng tạo: chìa khoá để khởi nghiệp thành công

15/10/2018 14:41
  • Print
  • Lượt xem: 2208

Đó là thông điệp lan tỏa từ Diễn đàn kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhà đầu tư năm 2018 do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 14/10/2018.
Hôm nay, ngày 14/10, 20 tác giả có đề án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 đã thuyết phục các nhà tài trợ, nhà đầu tư, nhà tư vấn bằng sự tự tin, tinh thần đam mê, đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp và khát khao cống hiến. Họ là tác giả của 20 đề án xuất sắc nhất được lựa chọn từ 137 đề án khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp xây dựng, du lịch, giáo dục đào tạo từ các tỉnh/thành trong cả nước tham dự Ngày hội Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2018.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Phương Thảo
trao Giấy chứng nhận cho các tác giả đề án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết

Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 88 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Diễn đàn kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhà đầu tư năm 2018 được tổ chức với mục đích đem đến những cơ hội trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường, hợp tác kinh doanh, gọi vốn … cho phụ nữ khởi nghiệp. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc Diễn đàn


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo tin tưởng: sự kiện Diễn đàn kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhà đầu tư năm 2018 sẽ là nhịp cầu, là động lực để các tác giả của 20 đề án khởi nghiệp xuất sắc năm 2018 sẽ khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Đồng thời khẳng định: Tổ chức Hội luôn sát cánh cùng phụ nữ khởi nghiệp bằng các hoạt động thiết thực như kết nối phụ nữ khởi nghiệp với các nhà đầu tư; tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thay đổi tư duy, tri thức hội nhập, hỗ trợ vốn khởi nghiệp… cho phụ nữ.

Tại Diễn đàn, trong 7 phút trình bày, các tác giả đã thể hiện được ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình trước các nhà tư vấn, các nhà tài trợ, nhà đầu tư. Mỗi đề án khởi nghiệp là một câu chuyện.

Chị Lê Nguyện, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) tác giả của đề án “Sản xuất rượu vang từ trái thanh long” mang đến Diễn đàn tâm thế của người luôn đau đáu nâng cao giá trị trái thanh long Hàm Thuận, góp phần bình ổn nguồn cung cầu thanh long tại Bình Thuận, đưa đặc sản quê nhà vươn ra thế giới bằng những chế phẩm từ trái thanh long. Sau hơn 2 năm thành lập, vượt qua nhiều khó khăn, rượu vang Thanh Long Tazon của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức đã có mặt tại hệ thống siêu thị, các cửa hàng quà tặng và bước đầu xuất khẩu…

Sản phẩm Rượu vang thanh long của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm


Đề án “Xuất khẩu sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống” của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) với các mục tiêu rõ ràng (liên kết chặt chẽ quy trình sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; khẳng định thương hiệu, vị trí của sản phẩm trên thị trường; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...) cho thấy hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm huyện Kỳ Sơn, Nghệ An là Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm.

Nghệ nhân Lô Thị Mai - Phó Giám đốc HTX Hoa Ban xanh đang giới thiệu sản phẩm mình


Đề án “Sản xuất gạch không nung” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất gạch không nung Phước Thịnh (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) thể hiện rõ sự cam kết của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội môi trường với mục tiêu hướng đến: tiêu thụ các phế thải của ngành công nghiệp đặc biệt là tro, xỉ than (nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân) và các chất thải trong ngành xây dựng; hạn chế khí thải do nung từ củi, than đá gây khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe con người; bảo vệ tài nguyên đất; giải quyết công ăn việc làm cho lao động đặc biệt là phụ nữ tuổi trên 35...

Đề án “Sản xuất gạch không nung” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất gạch không nung Phước Thịnh
(xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)
 

Đề án “Phát triển mô hình giáo dục bền vững cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại Bắc Ninh” của tác giả Đỗ Thị Nhị - Chủ cơ sở Mầm non tư thục Bình Minh (xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là câu chuyện về tính nhân văn cao cả. Đề án hướng tới các mục tiêu: hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập; định hướng, giáo dục nghề để phát triển tương lai bền vững cho người khuyết tật; Hỗ trợ tối đa lao động nữ trong các khu công nghiệp có thu nhập thấp, đảm bảo khung giờ trông trẻ theo ca để họ an tâm lao động; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển giáo dục trực tuyến, hội nhập toàn cầu, thúc đẩy cách mạng 4.0; tích cực hỗ trợ kỹ năng, kiến thức giáo dục trẻ tại nhà cho phụ huynh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giáo dục và tiếp cận với trẻ khuyết tật...

Diễn đàn kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhà đầu tư 


Kết quả, cả 20 đề án khởi nghiệp năm 2018 vào vòng chung kết đều nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư, trong đó 5 đề án được nhận mức đầu tư là 100 triệu đồng/đề án, 15 đề án được nhận mức đầu tư 50 triệu đồng/đề án. 
Lễ công bố kết quả Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 sẽ diễn ra tại “Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Ngày hội Phụ nữ Khởi nghiệp” vào ngày 15/10 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

Trước đó, trong hai ngày 12-13/10, TW Hội đã tổ chức tập huấn, tư vấn giúp tác giả các đề án hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, nâng cao kỹ năng thuyết trình, cách thức  triển khai, thực hiện đề án. Qua chương trình tập huấn, các tác giả đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; có thêm kỹ năng trình bày, truyền cảm hứng…

Trong hai ngày 12-13/10, TW Hội đã tổ chức tập huấn, tư vấn giúp tác giả các đề án vào chung kết 

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018, Hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ khởi nghiệp (13-15/10/2018) tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Hà Nội tham quan và mua sắm.



Nguồn: http://hoilhpn.org.vn