Chiến lược đổi mới của Hàn Quốc: Chính phủ nền tảng số

09/05/2023 10:35

Chính phủ nền tảng số hướng tới việc khắc phục những hạn chế của các hoạt động công vụ hiện có bằng cách sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.

Hàn Quốc sở hữu một trong những mô hình chính phủ điện tử tốt nhất thế giới. Ảnh: Reuters


Mục đích của nền tảng là để "công dân, doanh nghiệp và chính phủ hợp tác làm việc dựa trên một nền tảng nơi tất cả dữ liệu được kết nối".

Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố lộ trình Chính phủ nền tảng số vào tháng 3/2023 và xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.

Chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đề xuất một chiến lược đổi mới là Chính phủ nền tảng số. Để hiện thực hóa điều này, Ủy ban của Tổng thống về Chính phủ nền tảng số, thành viên bao gồm 19 chuyên gia và bốn bộ trưởng có liên quan, đã được ra mắt vào ngày 02/9/2022.

Chính phủ nền tảng số được hình dung sẽ đổi mới cơ bản các hoạt động của chính phủ trở thành một chính phủ lấy người dân làm trung tâm, một chính phủ khoa học và minh bạch, và một chính phủ thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân bằng cách tận dụng triệt để các cơ hội do các công nghệ kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.

Tại sao chính phủ Hàn Quốc coi Chính phủ nền tảng số như một chiến lược đổi mới chính phủ? Trong những năm qua, người dân đã quen với các dịch vụ phù hợp, được cá nhân hóa cao mà các công ty nền tảng sáng tạo cung cấp. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội được đẩy nhanh và sâu rộng hơn do đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể kỳ vọng của người dân đối với chính phủ. Kết quả là, chính phủ mới nhận ra rằng cần có những thay đổi cơ bản để cung cấp cho người dân các dịch vụ toàn diện, ưu tiên và phù hợp nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của họ. Do đó, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu hành trình mới của Chính phủ nền tảng số để mở ra quá trình chuyển đổi số toàn diện, toàn bộ chính phủ.

Nơi chúng tôi đứng

Trong hai thập kỷ qua, Hàn Quốc đã xây dựng và vận hành một chính phủ điện tử thành công, hàng đầu thế giới, được thừa nhận rộng rãi. Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục xếp thứ nhất đến thứ 3 trong Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2010 và đã dẫn đầu thế giới về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin,  dữ liệu mở công cộng và các nỗ lực đổi mới chính phủ. 

Quá trình Chính phủ điện tử của Hàn Quốc

Tuy nhiên, đằng sau thành công của 20 năm qua là những hạn chế cơ bản, khó có thể bảo đảm sự thành công trong 20 năm tới. Trong quá trình thông tin hóa diễn ra nhanh chóng kể từ những năm 2000, một khối lượng lớn hệ thống CNTT đã phát triển. Trong khi đó, hầu hết các bộ và tổ chức của chính phủ Hàn Quốc đã có các đơn vị trực thuộc riêng để xây dựng và nâng cấp các hệ thống tương ứng dựa trên chuyên môn của họ. Do đó, sự phân vùng giữa các bộ ngành ngày càng nhiều, khiến việc liên kết hệ thống, dữ liệu càng trở nên khó khăn hơn. Khối lượng lớn hệ thống của chính phủ như vậy khiến việc đáp ứng kỳ vọng của người dân về việc nhận được các dịch vụ tích hợp, được cá nhân hóa cao trở nên khó khăn hơn. Các dịch vụ công phổ biến, chẳng hạn như Home Tax (thuế), WorkNet (việc làm) và Bokjiro (phúc lợi), đã đạt đến mức hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nó đã vượt xa chính phủ một cửa mà công chúng mong muốn.

Định hướng của Chính phủ nền tảng số

Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra chính phủ một cửa, phá vỡ rào cản giữa các bộ, tìm cách hiện thực hóa Chính phủ nền tảng số nhằm cung cấp các dịch vụ ưu tiên, tích hợp và cá nhân hóa theo nhu cầu của công dân thông qua hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ. Một mục tiêu quan trọng khác là xây dựng một chính phủ khoa học trên cơ sở việc hoạch định chính sách dựa vào dữ liệu. Chính phủ nền tảng số sẽ hoạt động như một nền tảng cho hợp tác công - tư. Để đạt được mục tiêu này, Ủy ban sẽ công khai hầu hết dữ liệu của chính phủ và hỗ trợ tối đa các công ty tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ của chính phủ kết hợp với các dịch vụ của họ thông qua các Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Chính phủ nền tảng số của Hàn Quốc cũng sẽ đóng vai trò là nơi cho khu vực công và tư hợp tác để thử nghiệm các phương pháp đổi mới khác nhau.

Khi một nền tảng số - nơi công dân, doanh nghiệp và chính phủ có thể hợp tác – được xây dựng, giá trị mới sẽ được tạo ra thông qua chia sẻ và tập trung dữ liệu. Thông qua điện toán đám mây, dịch vụ sẽ được cải thiện về tính cập nhật và kịp thời, gia tăng giá trị. Ngoài ra, chi phí xây dựng và vận hành hệ thống sẽ được chuyển thành phí thuê bao theo mức độ sử dụng, giúp giảm giá thành chung của hệ thống thông tin. Hiệu quả sẽ được nhân lên bởi sự gia tăng giá trị và giảm chi phí, cho phép trải nghiệm những lợi ích lớn hơn.

Nhiệm vụ chính của Chính phủ nền tảng số

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau để triển khai một cách tốt nhất Chính phủ nền tảng số - nơi tất cả dữ liệu được kết nối.

Đầu tiên, chính phủ lập kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đổi mới của Chính phủ nền tảng số để thúc đẩy hợp tác công-tư và cung cấp các dịch vụ chính phủ một cửa được tích hợp đầy đủ. Từ quan điểm này, chúng tôi sẽ tăng cường khả năng kết nối tiên tiến giữa các hệ thống hiện có, sau đó thiết kế và thiết lập cơ sở hạ tầng đổi mới phù hợp với triết lý của Chính phủ nền tảng số. Trong giai đoạn cuối, chúng tôi dự định tạo ra một môi trường để cung cấp các dịch vụ phù hợp, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân bằng cách tích cực giới thiệu các công nghệ tiên tiến của khu vực tư, chẳng hạn như điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI siêu quy mô.




Thứ hai, chính phủ lập kế hoạch mở hoàn toàn và thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu có giá trị cao mà công chúng muốn. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ sẽ bãi bỏ các quy định hoặc hệ thống gây trở ngại cho việc mở và sử dụng dữ liệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho dữ liệu chất lượng cao thông qua chuẩn hóa dữ liệu, MyData (trao quyền cho các cá nhân bằng cách cải thiện quyền tự quyết về dữ liệu của họ), và các chính sách đẩy mạnh thông tin định danh.

Thứ ba, chính phủ sẽ đổi mới bằng cách tận dụng tối đa trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu. Sự hợp tác công-tư, liên bộ và chính quyền trung ương-địa phương sẽ trở nên phổ biến, không còn quy trình làm việc phân đoạn tập trung vào các bộ riêng lẻ. Hơn nữa, việc hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu sẽ được nhấn mạnh để ưu tiên hơn đối với các thông lệ và kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tôi cũng có kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo năng lực số để các công chức có thể dễ dàng thích ứng với quy trình làm việc dựa trên dữ liệu/trí tuệ nhân tạo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính phủ lập kế hoạch xây dựng một môi trường bảo mật thông tin đáng tin cậy để tất cả người dân có thể tin tưởng vào Chính phủ nền tảng số. Bằng cách thiết lập một hệ thống có thể kiểm tra minh bạch lịch sử truy cập hoặc sử dụng thông tin cá nhân, chúng tôi mong muốn sẽ xóa tan lo lắng của công chúng về việc rò rỉ hoặc lạm dụng thông tin cá nhân. Hơn nữa, chúng tôi sẽ xây dựng một Chính phủ nền tảng số an toàn và đáng tin cậy hơn bằng cách áp dụng các công nghệ bảo mật tối tân nhất như blockchain (công nghệ chuỗi – khối), AI và mật mã lượng tử.

Quốc gia đi đầu trong kỷ nguyên số

Chính phủ nền tảng số là sự chuyển đổi mô hình hoạt động của chính phủ, trong đó người dân và doanh nghiệp là trung tâm và chính phủ hỗ trợ họ. Đó sẽ là một chính phủ vươn tới người dân và doanh nghiệp, chứ không phải một chính phủ để họ phải đến mình. Trong Chính phủ nền tảng số, các bộ sẽ hợp tác với nhau, chính phủ và khu vực tư sẽ phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề. Chính phủ nền tảng số sẽ đóng vai trò là nơi thử nghiệm để các công ty khởi nghiệp lập kế hoạch và đưa ra các dịch vụ mới. Các ý tưởng sáng tạo từ khu vực tư sẽ thành hiện thực và các công ty khởi nghiệp có năng lực sẽ tập hợp lại với nhau để tạo ra một hệ sinh thái trên Chính phủ nền tảng số.

Hàn Quốc sẽ biến Chính phủ nền tảng số trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời chia sẻ và truyền tải những câu chuyện và thành tựu thành công. Vào tháng 3, chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố lộ trình Chính phủ nền tảng số và xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Chúng tôi mời bạn đến với con đường mới mà Hàn Quốc tạo ra.

Nguồn: Bản dịch của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ (Tác giả: Koh Jean, Chủ tịch Ủy ban của Tổng thống về Chính phủ nền tảng số, Hàn Quốc).

----------------------

Bài viết này là tài liệu của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới. (https://www.weforum.org)