TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) THẾ HỆ MỚI

04/07/2024 16:08

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng sự tích cực khi tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

FTA được hiểu là thỏa thuận mở cửa thị trường với sự tham gia của ít nhất hai thành viên với mục đích là cắt giảm hoặc loại bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư để tạo thuận lợi cho thương mại.

Các FTA này đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế của nước ta, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra một môi trường giao thương buôn bán năng động cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Sự phát triển của FTA từ truyền thống đến hiện đại phản ánh quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của quá trình tự do hóa thương mại và liên kết sản xuất trên phạm vi toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại giữa các bên tham gia.

Căn cứ vào mức độ và diện cam kết, các FTA thường được chia làm 2 loại là FTA truyền thống và FTA thế hệ mới.

- FTA truyền thống: Là các FTA có phạm vi hẹp với mức độ tự do hóa hạn chế, thường chỉ bao gồm các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, v.v. Tuy nhiên, những cam kết trong các lĩnh vực này thường chung chung, ít khi ràng buộc cụ thể ở mức cao. Ví dụ: các FTA mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ ASEAN.

- FTA thế hệ mới: Là các FTA có phạm vi và mức độ cam kết cao hơn so với các FTA truyền thống thông thường. Với các FTA thế hệ mới, phạm vi cam kết được mở rộng sang các những lĩnh vực mới khác, mang tính “phi truyền thống” như mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước, thương mại trong mối quan hệ với môi trường, lao động, thương mại điện tử... Về mức độ cam kết, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu trong các FTA thế hệ mới thường lên đến gần 100% trong khi các FTA truyền thống thông thường có tỷ lệ thấp hơn.

Qua các điểm khác nhau kể ở trên thì trong số các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam có ba hiệp định được coi là “FTA thế hệ mới”: Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) gồm 16 nước (10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) mặc dù "sinh sau đẻ muộn" so với CPTPP và EVFTA nhưng căn cứ theo nội hàm của nó thì cũng chưa được coi là FTA “thế hệ mới".

Tính đến tháng 5 năm 2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 FTA.

Trong đó, 15 FTA đã ký và có hiệu lực:

(1) Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)

(2) Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)

(3) Hiệp đinh Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)

(4) Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)

(5) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)

(6) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)

(7) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA)

(8) Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê (VCFTA)

(9) Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)

(10) Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (Việt Nam-EAEU FTA)

(11) Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

(12) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA)

(13) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

(14) Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)

(15) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

01 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực:

(1) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA)

Và 03 FTA đang đàm phán:                 

(1) Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (Việt Nam - EFTA FTA)

(2) Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada (ASEAN - Canada)

(3) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (CEPA Việt Nam - UAE).

Nguồn: Tổng hợp, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương