Dự Hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ: Trần Văn Sơn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện lãnh đạo, công chức Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ và đại diện Vụ/Ban phụ trách công tác cải cách hành chính các Bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu các địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện; cán bộ đầu mối làm công tác cải cách hành chính tại điểm cầu trực tuyến địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố các Chỉ số tại Phiên họp
Báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 11 để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung cải cách hành chính, kết hợp đánh giá (bên trong) của các cơ quan hành chính nhà nước và sự tham gia đánh giá (bên ngoài) của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, các tỉnh.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, bảo đảm sự chính xác, khách quan và công bằng trong chấm điểm, xếp hạng. Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại Bộ, cơ quan, địa phương. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 03 nhóm:
Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 02 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.
Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.
Chỉ số cải cách hành chính dưới 80% có 04 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2022 là 84.05%, giảm 2.02% so với năm 2021 (giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các Bộ là 86.07%). Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030” được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mới được đưa vào đánh giá để phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như các chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính. Theo đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân các Bộ chưa đạt kết quả cao trong Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.
Có 11/17 Bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 cao nhất với kết quả là 91.77%, cao hơn 19.12% so với Bộ Ngoại giao, đơn vị có kết quả Chỉ số năm 2022 thấp nhất, với giá trị là 72.65% (Khoảng cách này ở năm 2021 là 13.18%).
Kết quả đánh giá năm 2022 cho thấy, có 03/17 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông. Có 14/17 có giá trị Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 giảm so với năm 2021, trong đó, Bộ Ngoại giao có giá trị giảm nhiều nhất (-15.35%).
Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 03 nhóm:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 02 tỉnh, thành phố.
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố.
Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 05 tỉnh, thành phố.
Theo kết quả đánh giá, tỉnh Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 với kết quả đạt 90.10%; đây là lần thứ 5 tỉnh Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, tương đương với TP. Đà Nẵng - địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ 2012 - 2016). Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là TP. Hải Phòng với kết quả đạt 90.09%; đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp TP. Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75.99%, thấp hơn 5.42% so với kết quả của tỉnh này trong năm 2021 và cũng thấp hơn 3.98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 2021 . Xét trong chu kỳ 5 năm gần nhất, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Phú Yên cũng khá khiêm tốn khi luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và cũng có 02 lần đứng cuối bảng xếp hạng. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 khá thấp là tỉnh Bình Thuận, đạt 79.45%, xếp vị trí thứ 60/63; tỉnh Bắc Kạn, đạt 79.35%, xếp vụ trí thứ 61/63; tỉnh Cao Bằng, đạt 77.55%, xếp vị trí thứ 62/63.
Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là "đo lường sự hài lòng của người dân"). Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân nhằm lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân, từ đó giúp cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở khách quan để lựa chọn giải pháp phù họp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân được Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực cải cách hành chính của Chính phủ - triển khai trong phạm vi cả nước hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ kể từ năm 2017 đến nay (năm 2015 triển khai tại 10 tỉnh, thành phố đại diện). Năm 2022, là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng. Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 tập trung trên 02 khía cạnh, gồm việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung. 08 nhóm chính sách được lựa chọn bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội. Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo tính đại diện, khách quan. Chỉ số hài lòng được tính là điểm trung bình phần trăm của tất cả các mức điểm phản ánh các mức độ hài lòng của người dân được khảo sát. Việc mở rộng nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 để phản ánh toàn diện hơn về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; để giúp Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan hành chính nhà nước lắng nghe ý kiến của người dân đại diện cho mọi nhóm dân số dựa trên tri thức, trải nghiệm của họ cũng như để các chỉ số hài lòng phản ánh đầy đủ cảm nhận của người dân, dù hài lòng cao, hài lòng, hài lòng thấp hay không hài lòng.
Với sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức cũng như sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 đã hoàn thành, lắng nghe được ý kiến phản hồi của 36.095 người dân từ khắp các vùng, miền trong cả nước, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu khảo sát và xây dựng một Bộ chỉ số gồm 37 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 45 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân. Bộ chỉ số này phản ánh toàn diện, chi tiết về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân năm 2022 của cả nước nói chung và của từng tỉnh, thành phố nói riêng.
Mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2022 là 80.08%; trong đó, mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 79.72%, mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 80.43%. Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là 87.59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là 72.54%. 05 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa; 05 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn. So sánh mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của người dân ở nông thôn với mức độ hài lòng của người dân ở đô thị, kết quả đo lường năm 2022 cho thấy người dân ở nông thôn có mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao hơn 4.96%, so với người dân ở đô thị, mức độ hài lòng của hai nhóm dân số này lần lượt là 82.37% và 77.41% .
Năm 2022, 10 nội dung được đưa ra để tìm hiểu xem người dân mong đợi cơ quan nhà nước cải thiện nhiều đến mức độ nào. Nhìn chung, không có sự chênh lệch quá lớn về mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung. Mức độ người dân mong đợi rất nhiều đối với 10 nội dung nằm trong khoảng 38.17% - 32.56%; mức độ mong đợi nhiều nằm trong khoảng 54.66 % - 50.70%; và mức độ mong đợi ít nằm trong khoảng 12.94% - 10.07%. Nội dung “Nâng cao hơn nữa sự quan tâm của cơ quan nhà nước đối với nhu cầu, mong đợi của người dân” nhận được mức độ mong đợi rất nhiều của người dân cao nhất, với 38.17% số người được khảo sát. Nội dung “Nâng cao hơn nữa chất lượng của các chính sách quan trọng đối với đời sống của người dân” nhận được mức độ mong đợi rất nhiều cao thứ hai, với tỷ lệ 37.65% và nội dung nhận được mức độ mong đợi rất nhiều của người dân cao thứ ba là “Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính công”, với tỷ lệ 35.65%. Hai nội dung nhận được mức độ mong đợi thấp nhất là “Nâng cao hơn nữa chất lượng trụ sở, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân”, với tỷ lệ 32.56% và “Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước", với tỷ lệ 34.82%.
Điểm cầu Chính phủ và các tỉnh, thành phố
Lãnh đạo, công chức Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ dự Phiên họp và buổi công bố các Chỉ số Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, trong những năm qua Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân…
Chỉ số hài lòng của người dân năm 2022, với một bộ gồm nhiều chỉ số và thông tin đa dạng, tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện hơn về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, để từ đó giúp cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Toàn cảnh Phiên họp và buổi công bố các Chỉ số
Anh Cao