Các thí sinh tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) năm 2025 ổn định vị trí.
Theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB), cơ quan được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) giao nhiệm vụ phái cử lao động sang Hàn Quốc, năm 2025, Chương trình EPS có 3.300 chỉ tiêu tuyển chọn, gồm 3.000 chỉ tiêu thuộc ngành sản xuất chế tạo và 300 chỉ tiêu thuộc ngành nông nghiệp.
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần vượt qua 02 vòng kiểm tra, cụ thể: Vòng 1, kỳ thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK), kiểm tra sắc giác; Vòng 2, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng (bên phải) trao đổi cùng đại diện HRD Korean về công tác giám sát trong kỳ thi.
Theo kế hoạch, cả nước sẽ có 3 địa điểm tổ chức thi tiếng Hàn: tại Hà Nội, diễn ra từ ngày 05/05 đến ngày 29/5/2025 (22 ngày); tại Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 08/5 đến ngày 11/6/2025 (30 ngày); tại Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 06/5 đến ngày 07/5/2025 và từ ngày 30/5 đến ngày 17/6/2025 (18 ngày).
Cũng theo Trung tâm Lao động ngoài nước, kỳ thi năng lực tiếng Hàn được tổ chức theo phương thức là người lao động làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm. Công tác ra đề thi, chấm thi, sắp xếp ca thi, chỗ ngồi trong phòng thi và giám thị trong phòng thi tiếng Hàn sẽ do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD), cơ quan thuộc Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, chủ trì thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cùng đại diện HRD Korean kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị trong kỳ thi.
Người lao động đạt từ điểm sàn trở lên (110 điểm đối với ngành sản xuất chế tạo, 80 điểm trở lên đối với ngành nông nghiệp) đều phải kiểm tra sắc giác, những người không kiểm tra sắc giác hoặc bị mù màu sẽ không đạt yêu cầu tham dự vòng kiểm tra tay nghề (Vòng 2). Đây là điểm mới so với kỳ thi năng lực tiếng Hàn các năm trước.
Theo quy chế của kỳ thi, trường hợp người lao động bị phát hiện có gian lận trong kỳ thi sẽ bị lập biên bản vi phạm, không được phép đăng ký tham gia Chương trình EPS trong thời gian 04 năm. Tất cả thông tin người lao động được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu phục vụ tra cứu đối chiếu.
Việc bị cấm trong thời gian 04 năm là hình thức kỷ luật nghiêm khắc, người lao động vi phạm sẽ đối đối diện với “án” kỷ luật nặng, tự bỏ đi cơ hội làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Với các phương tiện thiết bị giám sát hiện đại và đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức được tập huấn kỹ lưỡng, đầy đủ, Trung tâm Lao động ngoài nước đánh giá rằng các hành vi vi phạm, gian lận trong kỳ thi sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc theo quy định, đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch và an toàn.

Công tác kiểm tra, đối soát dữ liệu khuôn mặt tại kỳ thi được đội ngũ cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện kỹ lương.
Lưu ý đối với người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trước khi tham gia kỳ thi năng lực tiếng Hàn
Trung tâm Lao động ngoài nước cũng lưu ý, các thí sinh tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn năm 2025 cần tìm hiểu đầy đủ, kỹ lưỡng về quy định, chi phí tham gia Chương trình cũng như các quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân. (Các nội dung này đã được đăng tải đầy đủ, thường xuyên trên website Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn)
Cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo như “bao đậu”, “tác động” để sớm được sang Hàn Quốc làm việc. Để đạt yêu cầu qua các vòng thi, không có cách nào khác ngoài việc người lao động nỗ lực rèn luyện, học tiếng Hàn thật tốt để đạt được kết quả khả quan.

Người lao động dự thi cần phải mang theo căn cước công dân (loại gắn chip) và có định danh điện tử cấp 2 trên ứng dụng VneID để phòng, chống các hành vi làm giả giấy tờ, thi hộ.
Nếu đạt yêu cầu qua kỳ thi, sau khi làm hồ sơ sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước gửi sang Hàn Quốc, hồ sơ người lao động sẽ bị ẩn thông tin cá nhân và giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ngẫu nhiên. Không có tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp được vào tiến trình này.
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ nhắn tin từ hệ thống tổng đài của Trung tâm tới trực tiếp điện thoại di động của người lao động khi được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng; khi có kế hoạch xuất cảnh và các nghiệp vụ phát sinh.
Đáng chú ý, không phải tất cả người lao động đạt yêu cầu qua kỳ tuyển chọn đều được chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Cán bộ Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện dò thiết bị điện tử trước khi người lao động vào phòng thi.


Cán bộ Trung tâm Lao động ngoài nước phổ biến, hướng dẫn quy chế và lưu ý một số nội dung cho người lao động trước khi vào phòng thi.
Người lao động cần để các thiết bị điện tử, đồ dùng cá nhân ra bên ngoài khu vực thi.
- Chương trình EPS là Chương trình phi lợi nhuận, được triển khai hợp tác theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, được bắt đầu triển khai từ năm 2004. Tham gia Chương trình người lao động chỉ cần đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghể; nếu được chủ sử dụng lao động lựa chọn, người lao động chỉ phải đóng chi phí phái cử bao gồm (phí xin visa, đào tạo định hướng, vé máy bay) bằng tiền Việt tương đương 630 USD, ký quỹ 100 triệu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (người lao động được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn). Các quy trình thủ tục của Chương trình được thực hiện công khai, minh bạch và trực tiếp tới người lao động.
- Hàn Quốc được đánh giá là thị trường lao động với mức thu nhập hập dẫn, hiện nay mức lương tối thiểu (chưa kể làm thêm giờ và các phúc lợi khác hơn 2.000.000 won (gần 40 triệu đồng); tại Hàn Quốc người lao động được bảo đảm các quyền lợi như lao động người bản địa (các khoản trợ cấp, bảo hiểm được tham gia đầy đủ); đời sống, phong tục văn hóa tại Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đông đảo nên người lao động có thể nhanh chóng thích nghi.
- Từ năm 2004 đến nay Colab đã phái cử được 141.215 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này, trong đó 4 tháng đầu năm có 2.753 lao động. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
|