Phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

15/04/2025 15:55

(Moha.gov.vn)-Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính (ĐVHC) mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng

Đề án đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, cụ thể, việc sắp xếp ĐVHC các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logictics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 01 ĐVHC cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.

Kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã thành các ĐVHC cấp xã mới, bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp xã vững mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị

Lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của 01 trong số các ĐVHC hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh. Sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân địa phương.

Nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại ĐVHC cấp xã

Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127- KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025, Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 và Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay thành các ĐVHC cấp xã mới, như sau:

(1) Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các ĐVHC cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu (không còn loại hình ĐVHC thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn).

(2) ĐVHC cấp xã sau sắp xếp phải đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt nhất.

(3) Trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì ĐVHC mới sau sắp xếp là xã.

(4) Chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành ĐVHC cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 1 huyện đảo, (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo). Riêng đối với thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 01 huyện riêng, theo đó nghiên cứu thành lập 02 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.

(5) Trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã làm thay đổi địa giới ĐVHC cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của ĐVHC cấp huyện mà ĐVHC cấp xã đó trực thuộc.

(6) Không bắt buộc sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối với các ĐVHC liền kề hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

(7) Tổng số lượng ĐVHC xã, phường sau sắp xếp giảm còn khoảng 60 70% so với số lượng ĐVHC cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời phải bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách, chênh lệch lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp.

Phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp gồm: (1) Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (2) Cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo). Theo đó, bỏ ĐVHC cấp huyện và thị trấn.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

 

Minh Minh