Tham dự Đại hội Nhiệm kỳ III (2024 – 2029) của Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương, địa phương, toàn thể hội viên Hiệp hội và các phóng viên các báo, tạp chí trong nước.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh đây là sự kiện trọng đại đối với doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, nhà khoa học, quản lý, nhà sản xuất, chế biến, phân phối- tiêu thụ nông sản, thực phẩm hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ nhận thấy Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng tác động tích cực về khoa học kỹ thuật công nghệ, về cộng đồng xã hội và nền kinh tế nông nghiệp gắn với nông dân, nông thôn, người lao động.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thương mại hóa nông sản, thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế và chất lượng sản phẩm hàng hóa đã đảm bảo lợi ích, sức khỏe của người tiêu dung đồng thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp hội viên trong việc nâng cao năng lực, kết nối, tăng cường các cơ hội hợp tác về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động theo Điều lệ, bám sát tôn chỉ, mục đích, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết và thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tư vấn kết nối đầu tư, thương mại hóa và liên quan, là cầu nối tin cậy của các hội viên với cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động này của Hiệp hội ngày càng góp phần tích cực thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế nông nghiệp, mở rộng thị trường, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi sự chung tay, đóng góp sức, trí tuệ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà: Nhà nước- Nhà quản lý- Nhà khoa học- Nhà đầu tư, sản xuất, phân phối, kinh doanh; hỗ trợ trung gian và Nhà phát triển thị trường xuất khẩu, đạt hiệu quả cao về kinh tế và giá trị tốt về tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng; góp phần bảo vệ sự cân bằng, an toàn sinh thái và phát triển bền vững… Đến nay, Hiệp hội đã tập hợp và phát triển được 48 hội viên tổ chức, thu hút 120 hội viên danh dự cùng tâm huyết và tham gia hoạt động Hiệp hội.
Hiệp hội đã hoạt động tương đối hiệu quả trong việc kết nối cộng đồng, gặp gỡ giao lưu giữa các hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động tập huấn, cung cấp thông tin, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, đào tạo, phổ biến kiến thức chuyên môn và liên quan, trong đó nổi bật là các hoạt động kết nối, tư vấn, phản biện các chương trình, dự án, đề án, chiến lược, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, các Nghị quyết của Đảng về an ninh lương thực, về cách mạng công nghệ lần thứ tư trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan thúc đẩy phát triển các hình kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, là các Bộ, Sở ngành, các trường đại học, các Trung tâm, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội, đối tác ở trong và ngoài nước, mở rộng các mối quan hệ với nhiều đối tác nước ngoài như Israel, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Qua đó, từng bước truyền thông và góp phần quảng bá, giao lưu kinh tế với nhiều nhiều nước khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ II (2019-2024) Hiệp hội cũng còn có những tồn tại, hạn chế như Báo cáo tổng kết tại Đại hội đã chỉ ra và cần khắc phục trong thời gian tới như: Việc tổ chức giao lưu giữa các hội viên, phát triển hội viên mới, chủ động hơn trong các hoạt động chuyên môn…
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh chính sự kiên trì, tâm huyết của Ban Lãnh đạo Hiệp hội, sự quan tâm, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước; sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giới truyền thông và sự đoàn kết chung sức của các tổ chức, doanh nghiệp, hội viên có chung mục đích hoạt động hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng và bền vững, đã làm nên sự thành công của Hiệp hội.
Trong khuôn khổ Chương trình làm việc của Đại hội nhiệm kỳ III (2024-2029), Hiệp hội đã có Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ II; Tiến tới sẽ sửa đổi, Điều lệ nhằm cập nhật theo quy định tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 8/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra.
Theo Đề án nhân sự, Đoàn Chủ tịch đã chuẩn bị và báo cáo, hội viên tham gia góp ý kiến, các đại biểu tập trung thảo luận, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm với Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên có sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao để bầu vào Ban Lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hiệp hội để dẫn dắt Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi các chương trình nhiệm vụ, nghị quyết mà Đại hội đã đề ra. Đồng thời, thúc đẩy phát triển lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại hội đã bầu bầu chọn của 172 hội viên chính thức và danh dự, trong nhiệm kỳ III, Ban chấp hành gồm có: 01 Chủ tịch; 03 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch thường trực); 01 Tổng Thư ký; 04 Uỷ viên. Trong đó, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT là Chủ tịch thường trực của Hiệp hội; Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH là Phó Chủ tịch của Hiệp hội.
Với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định Bộ Nội vụ sẽ luôn tạo điều kiện để Hiệp hội tổ chức và hoạt động ổn định, phát triển phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ trưởng đề nghị sau Đại hội, Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần:
Sớm ổn định tổ chức; kiện toàn cơ cấu tổ chức đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trong nhiệm kỳ mới;
Phát huy và nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát triển hội viên, đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả ngày càng cao. Chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn của Hiệp hội, tổ chức, hoạt động theo Điều lệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chế hoạt động của Hiệp hội: Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra, các quy chế, quy định nội bộ khác của Hiệp hội theo điểm quy định của pháp luật về hội và Điều lệ Hiệp hội; các chương trình, kế hoạch hoạt động từng năm và nhiệm kỳ.
Tích cực nghiên cứu, tăng cường hơn nữa các hoạt động tư vấn, phản biện, góp ý kiến xây dựng chính sách;
Mở rộng các quan hệ hợp tác trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động chuyên môn về lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và đóng góp thiết thực vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nền kinh tế.
Trong khí thế “Đổi mới- Hành động- Gắn kết- Lan tỏa sáng tạo và phát triển”, Thứ trưởng tin tưởng rằng với quyết tâm và định hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới, cùng với sự ủng hộ và liên kết chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, cùng các Bộ, sở ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp hội viên sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn nữa, đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết, trách nhiệm vào sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại hóa gia tăng tài sản tuệ, kinh tế và sức khỏe, nền khoa học nước nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển khoa học công nghệ; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.