Theo Báo cáo kết quả thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Bộ Nội vụ công bố, Bộ Nội vụ đã giảm 3 đơn vị thuộc Bộ và tổ chức lại 2 cơ quan tương đương Tổng cục là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bộ Nội vụ đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc 2 Ban này; tổ chức lại các Vụ và tương đương thuộc Ban thành các Phòng và tương đương thuộc Ban. Đồng thời tiến hành sắp xếp, giảm số lượng đầu mối các đơn vị thuộc Ban, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đối với cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị thuộc, trực thuộc, việc sắp xếp tổ chức bộ máy giảm 24 đơn vị đầu mối.
Việc tổ chức lại 2 cơ quan tương đương Tổng cục thành 2 cơ quan tương đương Cục thuộc Bộ Nội vụ đã giảm 2 chức danh tương đương Tổng cục trưởng; giảm 8 chức danh tương đương Phó Tổng cục trưởng; giảm 22 chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; giảm 66 chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.
Tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ quan trọng cần làm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) đánh giá cao việc Bộ Nội vụ đã thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm các đầu mối bên trong cơ quan và thực hiện tinh giản biên chế.
Theo Phó Giáo sư Ngô Thành Can, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt Nghị quyết 76 của Chính phủ ngày 15 tháng 7 năm 2021 Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, tích cực.
Những tín hiệu tích cực này được thể hiện ở cả hai phương diện là giảm đầu mối các bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế.
“Ở khía cạnh thứ nhất, Bộ Nội vụ đã làm gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị, làm gọn các đầu mối của tổ chức.
Việc cắt giảm hay sáp nhập một số đơn vị, sắp xếp tổ chức lại một số đơn vị, giảm số lượng đầu mối các đơn vị cho thấy chúng ta đã kiên quyết thực hiện tốt Nghị quyết 76 của Chính phủ về việc cải cách hành chính Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2030.
Ở khía cạnh thứ hai, khi số lượng đầu mối giảm đi thì số lượng cán bộ phụ trách cũng được tinh gọn lại, cắt giảm một số vị trí không còn phù hợp, như vậy là chúng ta đã thực hiện được một bước tiến mới trong tinh giản biên chế.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ để có những chính sách nhằm tinh gọn bộ máy cho các bộ, ngành, đồng thời cũng đã đưa ra được những chính sách để đảm bảo những người trong diện tinh giản biên chế cũng phấn khởi, đồng tình thực hiện tốt chính sách này.
Đây là những kết quả bước đầu mà chúng ta ghi nhận và đánh giá cao”, Phó Giáo sư Ngô Thành Can khẳng định.
Song, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 76 của Chính phủ, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về tinh gọn đơn vị hành chính Nhà nước trong các giai đoạn 2023 - 2026 và giai đoạn 2026 - 2030.
Làm gọn đầu mối, sáp nhập các đơn vị hành chính Nhà nước chính là công việc liên quan đến việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, nhân sự. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần làm, nơi nào đã làm tốt thì cần tiếp tục phát huy, đặc biệt , phải có cách thức thực hiện phù hợp, không phải đạt được một số kết quả bước đầu rồi là dừng lại.
Tinh gọn bộ máy là làm lợi cho Nhân dân
Phó Giáo sư Ngô Thành Can cho biết, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như Bộ Nội vụ đã làm sẽ tạo nên được những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý.
Thứ nhất, việc này giúp cho bộ máy quản lý tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển về quản lý xã hội.
Thứ hai, việc tinh gọn bộ máy hướng tới việc sắp xếp lại các vị trí việc làm một cách hợp lý, đi sâu vào chất lượng đội ngũ, để lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đáp ứng tốt hơn vị trí việc làm của mình, phát huy năng lực, hiệu quả công việc.
Thứ ba là tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Bộ máy quản lý nhà nước, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống của chúng ta.
Những kết quả đã đạt được này cũng chính là mục tiêu chúng ta cần tiếp tục hướng tới trong tương lai.
Đối với lĩnh vực giáo dục , Phó Giáo sư Ngô Thành Can cũng khẳng định Bộ Nội vụ đã tham gia đề xuất và có những giải pháp để cắt giảm những thủ tục không cần thiết, bỏ một số chứng chỉ không cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và các giáo viên.
Những thủ tục mang tính hình thức, những bất cập, khó khăn đã được tháo gỡ giúp giáo viên phấn khởi và yên tâm công tác.
Tuy nhiên, thầy Ngô Thành Can cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh đổi mới giáo dục với nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cần phải chú trọng việc bồi dưỡng, các kỹ năng, năng lực phù hợp với yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn mới cho các thầy cô giáo. Việc này cần được thực hiện một cách thực chất, làm thật và đánh giá đúng, tránh bệnh hình thức, để giáo dục và đào tạo tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt hơn.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ: “Rất hoan nghênh Bộ Nội vụ đã gương mẫu thực hiện Quy định của Chính phủ trong việc tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.
Trên cơ sở những việc Bộ Nội vụ đã làm, chúng ta cũng cần đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành khác cùng thực hiện nhiệm vụ này một cách chuẩn chỉnh.
Bộ Nội vụ đã làm rất tốt và thể hiện tính gương mẫu, đi đầu trong việc thu gọn đầu mối bộ máy, nhưng yêu cầu đặt ra không dừng lại ở đó, Bộ Nội vụ cần xem xét, với khối lượng công việc hiện nay, tổ chức bộ máy của mình có thể tinh giản được nữa không?.
Thời gian qua, chúng ta đã tạo được nhiều kết quả chuyển biến trong việc tinh giản biên chế. Song, nhìn chung, hiện nay, bộ máy của các Bộ, ngành vẫn còn cồng kềnh”.
Phó Giáo sư Bùi Thị An khẳng định, thực hiện đúng việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế sẽ giúp phát huy được năng lực, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức, tạo động lực, động viên những người được giao trách nhiệm thực hiện công việc hiệu quả hơn.
“Bên cạnh đó, khi thu gọn đầu mối quản lý sẽ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, giảm đi những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết. Nếu trước đây, người dân muốn giải quyết một thủ tục hành chính phải đi đến 5 đầu mối quản lý thì nay chỉ cần đến 1, như vậy là làm lợi cho Nhân dân.
Cùng với đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giảm bớt gánh nặng về chi thường xuyên (chi trả lương) cho tổ chức, đơn vị. Đó là điều kiện để có thể tăng lương.
Và với những cán bộ được chọn lọc, được phân công nhiệm vụ, họ sẽ phấn khởi hơn, làm việc năng suất hơn và có được đãi ngộ tốt hơn”, Phó Giáo sư An chia sẻ.