Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Có nhiều ý kiến đề cập đến cơ cấu tổ chức và cơ quan mới mà dự thảo Nghị quyết dự kiến cho TP.HCM được thành lập là Sở An toàn thực phẩm.
Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết cho biết, đa số ý kiến cho rằng cần thuyết minh về sự cần thiết và hợp lý khi lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở.
Nghị quyết 18 Trung ương 6 nêu, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Do đó, nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng với dân số TP có hơn 11 triệu người thì đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng và giúp quản lý tốt hơn. Hiện, TP.HCM có Ban An toàn thực phẩm rồi nên việc thành lập Sở là hợp lý.
Song ông Phương, đề nghị cần thuyết minh thêm về bộ máy cấp dưới sẽ như thế nào, sẽ đi theo bộ máy Sở Nông nghiệp, công thương hay ra sao?.... Do đó, cần quy định rõ, có thể chỉ thành lập Sở ở TP để quản lý chung còn không thành lập ở quận, huyện.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng đồng tình với đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm của TP.HCM. Nhưng ông đề nghị cần đối chiếu với nghị quyết 18 của Trung ương xem có làm tăng biên chế, phình bộ máy không.
ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức xúc ở các đô thị lớn, cho nên việc thành lập sở có chức năng, nhiệm vụ này là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quy định cứng về chức năng, nhiệm vụ trong nghị quyết, mà nên phân quyền cho TP.HCM quyết định.
"Không nên giới hạn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Sở An toàn thực phẩm để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quyết định bộ máy", bà Thủy nói.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong dự thảo nghị quyết lần này sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM một số nội dung, trong đó có Sở An toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, về cơ sở chính trị căn cứ vào Chỉ thị 17 năm 2022, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Luật An toàn thực phẩm và nghiên cứu kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM cũng cho phép phân cấp, phân quyền cho thành phố một số lĩnh vực, trong đó có tổ chức bộ máy.
Về mặt pháp lý, các luật có liên quan như luật An toàn thực phẩm cũng đã có quy định.
Về mặt thực tiễn, Chính phủ đã cho thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm từ năm 2017, với TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quá trình tổng kết đánh giá thì TP.HCM thí điểm hiệu quả nhất.
Như vậy, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã có đầy đủ, có thể thí điểm trong 5 năm, sau đó đánh giá hiệu quả hoạt động.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về căn cứ yêu cầu, điều kiện cụ thể để địa phương thành lập tổ chức hành chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho phù hợp.
"Nếu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động hiệu quả và hợp lý, khi cần thiết, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu nghiên cứu lập Sở An toàn thực phẩm ở các đô thị lớn", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.
Bà Trà cũng khẳng định dù lập thêm cơ quan đầu mối nhưng tổng số lượng cơ cấu tổ chức không thay đổi nhằm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư là chỉ có một đầu mối thống nhất quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.