Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận những góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, phong phú, toàn diện, sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại hội nghị hôm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh trà, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong tiếp thu thảo luận của đại biểu Quốc hội, xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và cử tri để có được dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thực sự chất lượng nhất, có sức sống lâu bền và phát huy được tác dụng tích cực trong cổ vũ, động viên các phong trào thi đua, khen thưởng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự là nguồn động viên kịp thời, hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức trong phong trào thi đua, yêu nước hiện nay.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay, Ban soạn thảo đã tập trung hoàn thành 4 chính sách cơ bản trong dự thảo luật này. Đó là, hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng; hoàn thiện chế độ về thẩm quyền và phân cấp trong công tác thi đua, khen thưởng và cải cách hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, từ 4 chính sách này đã thiết kế các điều luật, quy định cụ thể để việc khen thưởng cho các tổ chức cơ sở nhỏ, vùng sâu, vùng xa, người lao động trực tiếp đi vào đời sống và phát huy tác dụng tích cực; quan tâm hơn đến khu vực ngoài công lập, doanh nghiệp tư nhân; khắc phục “cộng dồn thành tích”, “lũy kế thành tích”. Ban soạn thảo cũng đã thiết kế mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác thi đua và khen thưởng; làm rõ hơn và đổi mới mạnh mẽ việc khen thưởng theo nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó”; thể chế hóa các quy định về thành tích khen thưởng, đối tượng khen thưởng, phân cấp mạnh mẽ cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong việc phát hiện cá nhân có thành tích và có hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời.
Giải trình về nội dung liên quan đến danh hiệu thi đua “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” được các đại biểu quan tâm thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nội dung này được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành quy định cụ thể trên cơ sở căn cứ vào điều kiện cụ thể để quy định cho phù hợp với tình hình địa phương, nếu áp quy định chung cho cả nước thì không phù hợp.
Liên quan đến đề nghị điều chỉnh về điều kiện trao tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc đưa ra quy định như trong dự thảo Luật là đã căn cứ vào ý kiến đóng góp của Hội cựu thanh niên xung phong. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để đưa ra các quy định phù hợp nhất trên tinh thần thực hiện việc khen thưởng cho các thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến, thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta./.