Dự Hội nghị, về phía Bộ Nội vụ có các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Vũ Chiến Thắng, Triệu Văn Cường; thủ trưởng một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Về phía Ủy ban Pháp luật có các đồng chí Phó Chủ nhiệm; các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật; lãnh đạo Vụ và một số chuyên viên của Vụ Pháp luật và Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, định kỳ hàng năm, Thường trực Ủy ban Pháp luật và lãnh đạo Bộ Nội vụ tổ chức cuộc làm việc để trao đổi về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác trong năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ và trong phạm vi lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hội nghị này được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, kế thừa tiền lệ về việc tổ chức làm việc, trao đổi nội dung công tác theo tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa” đã được thống nhất giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ.
Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa hai cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu suất cao, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, công tác giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, sau Hội nghị hai bên sẽ tiến hành ký Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong năm 2023. Đây sẽ là cơ sở đặt nền móng vững chắc nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan.
Báo cáo một số nội dung về công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, trong năm 2022, đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn quan trọng trên cả 03 mặt công tác gồm công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính.
Nhìn chung, cả hai cơ quan đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp đã đề ra trong năm 2022, không có nhiệm vụ nào chậm trễ hoặc chưa hoàn thành. Các bên chủ động, tích cực trong việc trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến. chia sẻ khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác phối hợp được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao (cả từ cấp chuyên viên, cấp vụ và cấp lãnh đạo hai cơ quan). Các bên luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, cầu thị, luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau. Kết thúc năm 2022, nhiều cán bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật và công chức của Vụ Pháp luật được Bộ Nội vụ khen thưởng hoặc để nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc của cả hai cơ quan đều rất lớn, nhiều nội dung cấp bách, phát sinh ngoài kế hoạch nên việc bố trí lịch để lãnh đạo các cơ quan đều có thể tham gia họp, làm việc có nhiều khó khăn. Việc trao đổi, lấy ý kiến các bên còn hạn chế; hồ sơ, tài liệu nhiều khi còn gửi chậm so với quy định.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2022 và khắc phục các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai bên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong năm 2023 và các năm tiếp theo, hai bên tiếp tục quan tâm tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục về tiến độ, kế hoạch thực hiện, những khó khăn, vướng mắc (nếu có)... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phối hợp nghiên cứu, có giải pháp xử lý, khắc phục. Lắng nghe, cầu thị, sẵn sàng chia sẻ thông tin, chung sức khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm công việc đạt chất lượng cao. Tăng cường phối hợp tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát để phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của các bên.
Báo cáo kết quả công tác phối hợp năm 2022 giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong năm 2022, Bộ Nội vụ và Thường trực UBPL đã chủ động phối hợp, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao trên cả 03 mặt công tác, gồm: Công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính. Cụ thể:
Trong công tác xây dựng pháp luật, hai cơ quan đã phối hợp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các luật, nghị quyết sau đây: (1) Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10/11/2022. (2) Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 15/6/2022. (3) Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua nội dung về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. (4) Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Trong công tác giám sát, hai cơ quan đã phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành các nội dung sau: (1) Giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát việc thực hiện các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. (2) Giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp” vào ngày 08/8/2022.
Trong công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, đã phối hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 14 nghị quyết (14 địa phương) về thành lập 02 thành phố, 04 thị xã, 48 phường, 14 thị trấn, nhập 01 xã vào 01 thị trấn, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 02 xã.
Đã phối hợp triển khai đạt kết quả tốt việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được phân công tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Nhìn chung, hai cơ quan đã tích cực, chủ động phối hợp, thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ trong năm 2022, không có nhiệm vụ chậm hoặc chưa hoàn thành; việc trao đổi thông tin, tham gia ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được thực hiện thường xuyên, qua đó nâng cao chất lượng, tiến độ các văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực nội vụ; hai cơ quan luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau trong quá trình phối hợp theo tinh thần “từ sớm, từ xa” đã tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
8 trọng tâm nội dung phối hợp
Theo Biên bản ghi nhớ, 08 trọng tâm nội dung công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong năm 2023, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030: Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ được giao; Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia ý kiến, tổ chức họp thẩm tra các nội dung thuộc thẩm quyền, giám sát việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi có yêu cầu.
Thứ hai, soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023): Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì soạn thảo; Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm chủ trì thẩm tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan tăng cường tham vấn ý kiến, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, tổ chức và tham gia các hoạt động xin ý kiến về dự án Luật.
Thứ ba, nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan, Luật Hoạt động chữ thập đỏ, các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - 2025: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng nội dung báo cáo; Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nếu đáp ứng yêu cầu.
Thứ tư, sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh theo các nghị quyết của Quốc hội: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ theo dõi, hướng dẫn và sơ kết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023 và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023; Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm chủ trì thẩm tra.
Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch, Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ: Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực, giúp Đảng đoàn Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ; Bộ Nội vụ là cơ quan phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời các nội dung công việc có liên quan để bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, phối hợp trong việc triển khai công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực nội vụ và công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước và nội vụ thuộc kỳ giám sát 2023: Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm chủ trì giám sát; Bộ Nội vụ phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình cụ thể đối với các nội dung thuộc văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo yêu cầu, đề nghị của Ủy ban Pháp luật.
Thứ bảy, xây dựng, thẩm tra các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, giúp Chính phủ xây dựng hoặc thẩm định các đề án; Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm tổ chức thẩm tra các đề án của Chính phủ. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời về số lượng, tiến độ chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra các đề án để chủ động bố trí thời gian nghiên cứu, bố trí thời gian thích hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Thứ tám, phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thuộc thẩm quyền giải quyết: Bộ Nội vụ có trách nhiệm kịp thời xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Pháp luật để phục vụ công tác giám sát của Ủy ban đối với những đơn thư do Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật chuyển đến.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh quá trình phối hợp giữa hai cơ quan đã đạt được bước tiến dài trong thời gian qua, góp phần rút ngắn thời gian triển khai, thực hiện công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo công tác và nội dung trong Biên bản ghi nhớ về việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan; đồng thời, đánh giá cao hoạt động của Bộ Nội vụ trong thời gian qua với nhiều đổi mới quan trọng, có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban khác của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong những nội dung trọng điểm công tác, trước hết trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Đối với công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp rà soát, sửa đổi Luật Lưu trữ; nghiên cứu rà soát các vấn đề liên quan đến Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Hoạt động chữ thập đỏ; nghiên cứu rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập… Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan tiếp tục thắt chặt mối quan hệ gắn kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác của hai cơ quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng hai cơ quan nói chung và lãnh đạo hai cơ quan nói riêng đã có nhiều đóng góp vào thành công chung của Quốc hội.
Phát biểu Kết luận Hội nghị, thay mặt hai cơ quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trân trọng cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã động viên, khen ngợi, nhưng đồng thời cũng định hướng các nội dung hết sức cụ thể cho năm 2023 để Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật triển khai hiệu quả các nhiệm vụ toàn diện hơn nữa.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật đã đem lại hiệu quả công việc cao và tạo được thành quả cụ thể trong công tác xây dựng pháp luật cũng như các công tác khác của hai cơ quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, năm 2023, có nhiều việc mà hai bên cần phải phối hợp với nhau đòi hỏi yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong Báo cáo của hai cơ quan.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà hi vọng trong thời gian tới hai cơ quan sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ và chỉ đạo sát sao của Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, gắn kết giữa Bộ Nội vụ với Ủy ban Pháp luật để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thành công này sẽ đóng góp vào xây dựng nền hành chính nhà nước, cũng như là đóng góp chung vào sự phát triển của Quốc hội, Chính phủ.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong năm 2023.