Dự Phiên họp có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Tại Phiên họp, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ Lê Thanh Tùng công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ thể: Quyết định số 60/QĐ-BNV ngày 08/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và Quyết định số 65/QĐ-BNV ngày 09/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá, rà soát lại các nhiệm vụ đã làm được, những nhiệm vụ chưa làm được của 2022. Đồng thời, nghe trình bày dự thảo Báo cáo kế hoạch hoạt động của năm 2023. Tập trung trao đổi, thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm về Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, tiến độ, bảng phân công nhiệm vụ qua đó tìm ra các giải pháp, phương pháp, kiến nghị đề xuất để hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 của Bộ Nội vụ.
Tại Phiên họp, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đã trình bày Báo cáo Chuyển đổi số năm 2022, phương hướng nhiệm nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nội vụ; Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023.
Điểm lại kết quả Chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Nội vụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình cho biết, Ban Chỉ đạo đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu ban hành: Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022; Công bố báo cáo đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ năm 2021; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số; Quy chế quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Nội vụ; Kế hoạch thực hiện Đề án 06/CP của Thủ tướng Chính phủ,...
Đối với xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc thiết kế, xây dựng, kiểm thử phần mềm; Lắp đặt thiết bị hạ tầng (của VNPT), cài đặt hệ thống; Tổ chức tập huấn toàn quốc tại 96 bộ, ngành, địa phương. Đã hoàn thành việc triển khai thí điểm tại 02 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bến Tre; Qua đó hoàn thiện hệ thống, bổ sung danh mục dữ liệu dùng chung và các biểu mẫu; Đến nay, đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 36 bộ, ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia (140.000 hồ sơ).
Về dịch vụ công trực tuyến, Bộ Nội vụ đã công bố công khai 258 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của Bộ và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Về phát triển hạ tầng số, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin thiết yếu; đủ điều kiện, tiêu chuẩn vận hành ổn định và an toàn, an ninh, bảo mật cho các hệ thống thông tin của Bộ Nội vụ; hiện tại 100% các đơn vị thuộc Bộ đã kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dung; kết nối Trục liên thông văn bản của Chính phủ; kết nối Trục dữ liệu quốc gia NGSP.
Về phát triển các nền tảng, hệ thống thông tin, Bộ Nội vụ đã triển khai hệ thống đăng nhập một lần (SSO) giúp người dùng có thể truy cập vào các hệ thống thông tin của Bộ mà không cần đăng nhập lại sau khi đã xác minh danh tính và mật khẩu.
Năm 2022, Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả thủ tục hành chính và trả lời kiến nghị của cử tri triển khai tại địa chỉ http://phananh. đã tiếp nhận 551 phản ánh, Bộ Nội vụ đã trả lời và đăng tải công khai 509 phản ánh, kiến nghị, hiện tại còn 42 phản ánh, kiến nghị đang trong hạn chờ trả lời.
Về xây dựng phát triển các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nội vụ, Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ hiện đang quản lý, lưu trữ thông tin của 2000 cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ tại địa chỉ tại : http://qlcb.:8089.
Cơ sở dữ liệu hội, quỹ có địa chỉ: http://csdlhoiquy. được xây dựng nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hội và tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ tại địa chỉ: https://csdlthanhnien..
Đồng thời Kiện toàn Ban Chỉ đạo và Thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ; Tiếp nhận biệt phái cán bộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông đến công tác tại Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ; Xây dựng Kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số năm 2023.
Về Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 của Bộ Nội vụ, Giám đốc Nguyễn Thanh bình cho biết, mục tiêu bổ sung ít nhất một kênh số khác ngoài Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận phản ánh kiến nghị phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận tiện tương tác.
Nâng cấp Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và chuyển đổi công nghệ sang IPv6 bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng.
Tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ để đạt ít nhất 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh trực tuyến và 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến. Cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh tôn giáo được cá thể hoá trong quá trình tiếp cận, thực hiện và trả kết quả.
Có Chuyên trang chuyển đổi số thường xuyên cung cấp, cập nhật tin bài về chuyển đổi số như công nghệ số, bài học kinh nghiệm… thường xuyên với tần suất tối thiểu 1 tuần/1 lần phục vụ nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Đảm bảo 100% các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có dữ liệu dùng chung hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành Nội vụ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP). Đảm bảo 100% các thông tin tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ngành, địa phương không sử dụng báo cáo giấy và được tổng hợp trực tuyến thông qua việc cấp tài khoản và sẵn sàng tích hợp vào hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành.
Hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 100% các Bộ, ngành, địa phương phục vụ nhu cầu về quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Đảm bảo 100% hệ thống thông tin sử dụng dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức.
Triển khai đầy đủ nội dung hướng dẫn về an toàn thông tin đối với từng hệ thống thông tin và các thiết bị đầu cuối. Đảm bảo 100% hệ thống thông tin đã triển khai được phê duyệt hồ sơ cấp độ trong Quý I/2023 và triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt hoàn thành muộn nhất trong Quý III, đặc biệt triển khai gấp đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và Trung tâm tích hợp dữ liệu. Đảm bảo 100% máy trạm được cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Tổ chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng trong năm 2023.
Hoàn thiện nền tảng quản trị công việc tổng thể cho phép người sử dụng (tất cả cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ) đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ.
Chuyển đổi số trong việc thực hiện đánh giá công tác chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trên phần mềm và kết nối, chia sẽ dữ liệu hệ thống của quốc gia.
Tỷ lệ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng chiếm tối thiểu 5% đến 10% tổng số cán bộ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ.
Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kiểm soát, cung cấp dịch vụ hạ tầng tối ưu với hiệu năng cao của các đơn vị trong Bộ.
Đổi mới công tác quản lý đảng viên, 100% đảng viên được quản lý và thực hiện công tác đảng trên hệ thống điện tử.
Cung cấp dữ liệu mở ngành Nội vụ, công bố rộng rãi trên môi trường mạng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ theo quy định.
Kho Lưu trữ tri thức phục vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát huy giá trị tài liệu nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, người làm lưu trữ và người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin tài liệu nhanh chóng, kịp thời. Bảo đảm công bố dữ liệu đặc tả và số hóa đạt 50% tài liệu lưu trữ có tần suất sử dụng cao tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, không thuộc danh mục hạn chế sử dụng để tổ chức sử dụng trên môi trường mạng.
Đưa vào khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC) phục vụ hỗ trợ, giám sát, chỉ đạo điều hành các hoạt động của Bộ nội vụ trên cơ sở dữ liệu cập nhật tự động, thời gian thực.
100% văn bản trao đổi giữa Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số bởi chữ ký chuyên dùng trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.
100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn, bồi dưỡng phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn về an toàn thông tin.
Tại Phiên họp, sau khi nghe các Báo cáo, thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Báo cáo, dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023 và dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao công tác chuẩn bị cho phiên họp Ban chỉ đạo của Trung tâm Thông tin, đặc biệt dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng đề nghị bổ sung thêm các đơn vị thành viên chưa có trong Kế hoạch để xác định rõ trách nhiệm phải làm của các đơn vị; bổ sung mục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để làm cơ sở triển khai. Bộ trưởng yêu cầu căn cứ Kế hoạch để đánh giá thường xuyên, đồng thời bổ sung cụ thể về tiến độ để hàng tháng đưa vào báo cáo chuyên đề trong giao ban Bộ Nội vụ.
Về kết quả năm 2022, Bộ trưởng đánh giá cao một số chuyển biến như: (i) về nhận thức, hành động; (ii) đã tham mưu ban hành được một số văn bản quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo; (iii) đã cố gắng, nỗ lực để thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt là chú trọng để tập trung cho tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm;(iv) đẩy mạnh vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử; (v) phối hợp tích cực thúc đẩy cải cách hành chính nói chung; (vi) quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư các dự án liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số; (vii) sự phối hợp với các Bộ, ngành bước đầu đã có sự tiến bộ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế cần phải khắc phục ngay như: về nhận thức, trách nhiệm; tổ chức thực hiện chưa đạt được yêu cầu mong muốn; hiện hữu những sản phẩm về chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ của Bộ chưa được rõ;...
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị:
Thứ nhất, cần xác định và thực hiện được các mục tiêu: (1) Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và thay đổi hành vi, nhận thức về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ. (2) 100% đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có Tổ chuyển đổi số và được tập huấn, bồi dưỡng thành lực lượng nòng cốt cho vận hành chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc. (3) Hoàn thành toàn bộ dữ liệu: ngày 30/6 hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để liên thông và kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu về bảo hiểm; hoàn thành toàn bộ dữ liệu chuyên ngành, muốn thực hiện được nhiệm vụ này cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc cập nhật, vận hành, kết nối, quản lý giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin tham mưu, xây dựng văn bản này để hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc cập nhật dữ liệu. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chủ trì cuộc họp để lấy ý kiến các đơn vị thuộc, trực thuộc để bổ sung tiếp vào trong hệ thống dữ liệu về chuyên ngành. (4) Đảm bảo 100% ứng dụng hệ thống thông tin dữ liệu có dữ liệu dùng chung và thực hiện được kết nối với Cơ sở dữ liệu ngành Nội vụ thông qua nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu của cấp bộ. (5) Đưa vào vận hành và tổ chức triển khai được Trung tâm điều hành thông minh của Bộ, gắn với hệ thống dữ liệu chuyên ngành một cách đồng bộ, kịp thời, đảm bảo an toàn thông tin ở cấp độ 3 trở lên và khai thác, vận hành được Trung tâm điều hành thông minh. (6) Triển khai chuyển đổi số ở trong tất cả hệ thống các đơn vị thuộc, trực thuộc, các tổ chức đảng đoàn thể của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, muốn thực hiện chuyển đổi số đồng bộ và thành công phải nắm được công thức 6+: “Công nghệ thông tin + Số hóa + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số + An toàn thông tin”.
Thứ hai, về nhiệm vụ cần xác định làm sao vừa đảm bảo được đồng bộ nhưng trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng đề nghị:
Một là, tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống thể chế chính sách, trong đó, lưu ý Luật Lưu trữ (sửa đổi) bổ sung thêm lưu trữ điện tử.
Hai là, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm để tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu đảm bảo đồng bộ, hiện đại, bảo mật và hiệu quả, đến ngày 30/12 hoàn thành dữ liệu chuyên ngành Nội vụ của tất cả các đơn vị thuộc, trực thuộc. Để thực hiện nhiệm vụ này, giao Tổ công tác phối hợp, tham mưu xây dựng lịch trình cụ thể, rõ nội dung, rõ nhiệm vụ, phân công trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc và đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành để ban hành ngày 15/02/2023.
Ba là, đảm bảo phát triển hạ tầng số đáp ứng được yêu cầu cho việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, giao Trung tâm Thông tin khẩn trương triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu của hạ tầng cho an ninh thông tin. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính xây dựng phương án rà soát, khảo sát, đánh giá các điều kiện để không trùng lặp, không chồng chéo, không lãng phí để tiếp tục đầu tư đảm bảo hiệu quả, liên thông.
Bốn là, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Trước hết, rà soát lại nguồn nhân sự trong Bộ Nội vụ để thành lập một lực lượng nòng cốt cho thực hiện chuyển đổi số gắn với Tổ chuyển đổi số của các đơn vị để bồi dưỡng, tập huấn cùng nhau tiếp cận vấn đề để tham mưu, đề xuất cho trúng, đảm bảo yêu cầu.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính trong nội bộ Bộ, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Sáu là, về vấn đề khác: (i) Rà soát để quy hoạch, định hướng chiến lược kiến trúc tổng thể về chuyển đổi số của Bộ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, giao Trung tâm Thông tin chủ trì triển khai nhiệm vụ này; (ii) Xây dựng công cụ, Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số, đồng thời phát động phong trào thi đua chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; (iii) Báo cáo chuyên đề hàng tháng tại giao ban và kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát và giao Trung tâm Thông tin lên kế hoạch kiểm tra giám sát về chuyển đổi số; (iv) Nâng chỉ số xếp hạng về chuyển đổi số của Bộ để đảm bảo được yêu cầu về các chỉ số mà Bộ đang thấp, đó là: hoạt động chuyển đổi số, về dữ liệu số và an toàn an ninh số; (v) Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số của Bộ.
Về đào tạo, bồi dưỡng, giao Vụ Kế hoạch - Tài chính căn cứ vào danh mục cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn liên quan đến chuyển đổi số của Bộ lên dự toán kinh phí trung.
Giao Trung tâm Thông tin tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện Kế hoạch trình Bộ trưởng ký ban hành làm cơ sở để sớm triển khai thực hiện.